Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: BCT |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở phạm vi toàn cầu, cuộc xung đột cùng với các khó khăn do dịch bệnh đang làm đứt gãy nguồn cung của một số mặt hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, khí đốt, lương thực thực phẩm.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột cũng đã và đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông, logistics, một số mặt hàng chiến lược tăng giá, kéo theo chi phí đầu vào tăng cao.
Hơn nữa, việc các quốc gia đều tung gói kích cầu đã đẩy nguy cơ lạm phát lên rất cao, làm cho tiêu dùng của thế giới vốn đã yếu ớt sau đại dịch càng trở nên khó khăn hơn. Một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu ra thị trường thế giới đã chịu ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thu hẹp.
Các chuyên gia dự báo, nhiều tác động có thể xảy ra đối với Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, trái phiếu chính phủ, xuất khẩu công nghệ, năng lượng...
Điều này có thể khiến việc hợp tác về thương mại và đầu tư với Nga gặp khó khăn. Đặc biệt, trường hợp áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương Việt - Nga mà chủ yếu ở khâu thanh toán các hợp đồng sử dụng đồng tiền thanh toán là Euro.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, tuy Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn nhưng Việt Nam vẫn đang xuất khẩu một số mặt hàng như: phân bón, nguyên liệu chăn nuôi… Các thị trường này cũng có sự lan toả ra khu vực thị trường liên minh Á - Âu mà Việt Nam đã tham gia ký kết hiệp định thương mại tư do (FTA). Do đó, sự đứt gãy giao thương với thị trường này sẽ tác động đến cả những thị trường khác, đến các giao dịch thanh toán giữa các DN; kèm theo đó có thể có những tác động liên quan đến tỷ giá, ngoại tệ, phương thức thanh toán…
Triển khai các giải pháp chủ động ứng phó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình. Trong đó, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cần kết nối chặt chẽ với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài, kết nối trực tiếp với các đơn vị ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để theo dõi, nắm bắt, cập nhật thường xuyên, liên tục tình hình căng thẳng về chính trị, ngoại giao, sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước.
Giải pháp quan trọng nữa là phải theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn nữa, cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu./.