Cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: P.Tuân
Còn nhiều rủi ro, thách thức
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế trong phát triển kinh tế số khi có hạ tầng số phát triển khá mạnh. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như: ví điện tử, triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và qua điện thoại di động đạt 300.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển các hoạt động của nền kinh tế sang số hóa vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại do sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa bảo đảm… Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để bảo đảm an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty tài chính công nghệ (Fintech) ở Việt Nam còn chưa đầy đủ.
Nói về những thách thức, Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) Phạm Quang Đệ cho rằng, Việt Nam có 95,5 triệu dân nhưng 65,8% người dân sống tại nông thôn và chỉ có 31% dân số sở hữu tài khoản ngân hàng, 68% điện thoại người dân sử dụng là điện thoại thông minh, có kết nối internet. Nhưng trên thực tế, hiện nay thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Còn Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) Phạm Tiến Dũng nhận định, nhìn từ đại dịch Covid-19 và một số định hướng phát triển ngân hàng số, việc thanh toán điện tử có rất nhiều cơ hội phát triển song vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đơn cử như với dịch vụ Mobile Money, giao dịch sẽ khó bảo đảm nếu việc xác thực khách hàng không chính xác do tình trạng SIM rác và việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến như hiện nay.
Sẽ ban hành nhiều chính sáchvề thanh toán điện tử
Trước những trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh nêu ra 4 đầu việc cần phải thực hiện ngay. Đó là: nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt; phải xác định được tổ chức, cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán; tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đặc biệt là vấn để bảo mật.
Để thúc đẩy kinh tế số, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng có 2 điểm cần lưu ý. Một là, phải làm thế nào để đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng nhanh nhất. Hai là, khách hàng có thỏa mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp hay không. Điều này hàm ý chất lượng dịch vụ phải nâng lên; hướng dẫn cài đặt các ứng dụng phải thật đơn giản, có như vậy mới tạo cú huých lớn thay đổi thói quen người tiêu dùng. Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Trong đó, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa.
Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, trong thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời dự kiến trong tháng 6 tới sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện. Đặc biệt, còn có hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Hưng cho biết, NAPAS sẽ tiến hành nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, trong đó sẽ đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động. DN này cũng đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm thanh toán mới trên nền tảng di động, bao gồm: các tiện ích mới cho dịch vụ mobile banking; sử dụng điện thoại di động như thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán không tiếp xúc....
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiến trình thực hiện ngân hàng số và thanh toán điện tử tuy có chậm nhưng chậm mà chắc thì tốt hơn. “Không nên nôn nóng, bởi hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chúng ta chưa kiểm soát được khiến khách hàng phải gánh chịu rủi ro lớn” - ông Hiếu khuyến cáo.
THU HUYỀN