Giáo dục nghề nghiệp quyết tâm bứt phá

(BKTO) - Năm 2018 là năm đánh dấu ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận, trong đó, cùng với lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục là điểm sáng của ngành. Tuy nhiên, để tạo đột phá trong lĩnh vực này, ngành LĐ-TB&XH vẫn còn nhiều việc phải làm.



Giáo dục nghề nghiệplà điểm sáng nổi bật

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động - người có công và xã hội năm 2019 của ngành LĐ-TB&XH, năm qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi có xu hướng giảm (trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị là 3,1%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây); cơ cấu lao động trong các khu vực có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm ở khu vực nông, lâm nghiệp và tăng dần ở khu vực dịch vụ, công nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%... Ước cả năm tạo việc làm cho hơn 1,64 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch.

Riêng đối với công tác xuất khẩu lao động, năm qua, cả nước đã đạt mức kỷ lục: hơn 142.000 người ra nước ngoài làm việc, góp phần mang về cho đất nước hơn 2 tỷ USD. Đáng chú ý, thị trường Nhật Bản tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đây là thị trường có mức thu nhập cao và có nhiều tiềm năng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Lĩnh vực GDNN tiếp tục là điểm sáng nổi bật của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2018 - Ảnh: Vũ Xuân Hùng

Một trong những điểm sáng nổi bật trong năm đến từ lĩnh vực GDNN. Năm 2018, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh được khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch; ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người. Đáng chú ý, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2018 cũng đánh dấu mốc quan trọng khi hoạt động GDNN đang tiến gần hơn với thị trường, sự tham gia mạnh mẽ của DN vào GDNN đang hình thành cầu nối cung - cầu lao động, góp phần hạn chế tình trạng lãng phí trong đào tạo hiện nay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để có được những kết quả vượt trội đó, năm qua, ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động; dự báo nhu cầu thị trường lao động, khớp nối cung - cầu lao động trên thị trường; triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động khuyết tật; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; chú trọng công tác tuyên truyền, tập trung đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn...

Hoàn thiện chính sách, tạo đàbứt phá

Ghi nhận điểm sáng trong lĩnh vực GDNN của Bộ LĐ-TB&XH trong năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dẫn lại kết quả của GDNN những năm 2016 trở về trước khi lĩnh vực này rất khó hoặc không tuyển sinh được, toàn bộ khối GDNN chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối GDNN đã đạt trên 100%, riêng năm 2018 vượt được 5%, Phó Thủ tướng đánh giá, năm vừa qua, GDNN đã có bước chuyển biến rất tốt với sự tiến bộ vượt bậc.

Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng đầu tiên đối với ngành vẫn là vấn đề lao động với câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, đây phải tiếp tục là điểm nhấn năm 2019 và những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng cần phải làm rất nhiều việc, bắt đầu từ sửa luật. “Năm nay, Quốc hội sẽ bàn và thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, do vậy, đây là thời cơ để điều chỉnh những bất cập khi sửa luật” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình cuối cùng lên Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Nghị định tự chủ tại các cơ sở GDNN. Do vậy, GDNN vẫn phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai. “Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương phải chú ý đảm bảo phân bổ kinh phí, những khoản chi ngân sách cho đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước những kết quả tích cực bước đầu của Cổng Thông tin điện tử việc làm, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là cách làm hay nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa để không chỉ có 40.000 DN, 17.000 lao động tham gia, sử dụng mà phải “thẩm thấu sâu rộng” trong cả thị trường lao động. Bởi, lao động, nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để thu hút các nhà đầu tư, có thêm nhiều nhà máy để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ đó mới tăng được năng suất lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ cụ thể hóa những chỉ đạo định hướng của Chính phủ vào Nghị quyết của ngành để thực hiện. Trong năm 2019, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ 14 nội dung với 3 vấn đề thiết yếu. Riêng đối với lĩnh vực GDNN, ông Dung nhấn mạnh, Bộ tiếp tục coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, phấn đấu số người học trung cấp, cao đẳng nghề tăng lên. “Học xong ra trường là phải có việc làm và thu nhập chứ không phải học xong không biết làm gì. Do đó, chúng ta phải dự báo được những lĩnh vực thị trường đang cần, cung cầu phải kết nối hợp lý hơn nữa” - ông Dung nói thêm.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Giáo dục nghề nghiệp quyết tâm bứt phá