Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam

(BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.

gio-to-hung-vuong-2024-duoc-nghi-may-ngay_f7b856d6.png
Hằng năm, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Ảnh: ST

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Với lòng tôn kính, biết ơn, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những nét văn hóa đặc sắc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.

Từ xa xưa, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng thực hành lễ nghi, tu bổ, tôn tạo đền miếu thờ cúng. Bản ngọc phả viết thời Trần đến đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”.

Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng... Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức Lễ giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mùng Mười tháng Ba (âm lịch) hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Và từ đó đến nay, ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba đã trở thành ngày giỗ Tổ của cả nước và đã đi vào thơ ca dân gian: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, một hình thức truyền khẩu cho truyền thống thờ cúng để mỗi người dân đất Việt từ bao đời nay coi ngày giỗ Tổ Hùng Vương là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18 tháng 02 năm 1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (năm 1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì. Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương: Năm lẻ 5, năm khác, tại Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là Chủ lễ dâng hương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm; Nghi thức tưởng niệm thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Năm tròn: Tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia. Tại Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương; Chủ tịch nước là Chủ lễ dâng hương; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện kiều bào và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ dự lễ kỷ niệm.

Ngày nay, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc, ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong nước và cả nước ngoài đều đồng loạt tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng Mười tháng Ba trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội Đền Hùng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân./.

Cùng chuyên mục
Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam