Giữ đà đi lên của nền kinh tế

(BKTO) - Kinh tế vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh; xuất khẩu dần phục hồi; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện… được đánh giá là những điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023. Những yếu tố này cũng là động lực quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong năm 2024.

tang-truong-kinh-te-2024.jpg
Năm 2024 được coi là năm “tăng tốc” để thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Ảnh: ST

Nỗ lực vượt “cơn gió ngược”

Nhiều chuyên gia có chung nhận định: Là một nền kinh tế có độ mở lớn, năm 2023, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, song kinh tế Việt Nam đã có một năm nỗ lực vượt những “cơn gió ngược” thành công.

Khi kinh tế thế giới phục hồi không đều, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần qua từng quý. Theo công bố của Tổng Cục Thống kê, năm 2023, GDP nước ta đạt 5,05%. Dù không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực thì đây là mức tăng trưởng cao.

Đồng thời, những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế tiếp tục thể hiện rõ nét, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều lĩnh vực đạt kết quả tăng trưởng rất ấn tượng, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lương thực với số lượng lớn ở giá cao, cũng như duy trì sự kết nối với thị trường thế giới qua các mặt hàng như: Gạo, rau quả… Tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022, cũng là mức tăng cao ấn tượng.

Bên cạnh đó, có nhiều động lực cho tăng trưởng như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong những tháng cuối năm; đầu tư công được đẩy mạnh… TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - phân tích, năm 2023, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sụt giảm do chịu ảnh hưởng rất lớn của cầu thế giới khiến các đơn hàng sụt giảm, nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động… Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, đốc thúc, tháo gỡ bằng rất nhiều cơ chế, kết quả giải ngân đầu tư công đã trở thành điểm nhấn, là động lực để kéo tăng trưởng kinh tế đi lên.

Kỳ vọng và giải pháp cho năm 2024

Năm 2024 được coi là năm “tăng tốc” để thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra cũng như tập trung hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025. Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này là khả thi và có thể đạt được. Đặc biệt, với hàng loạt chính sách được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn đến nền kinh tế trong năm tới. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), bước sang năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ tốt đà đi lên của năm 2023, không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024, mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đón nhận các dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển mới đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra, cần có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn. Trong đó, cần lưu ý tận dụng các cơ hội, lợi thế sẵn có, đó là tiếp tục cân bằng, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất. Đặc biệt, phải đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường, tranh thủ được các cơ hội mới để hồi phục thị trường…

Năm 2024 cũng là tiền đề để chuyển đổi luồng đầu tư, đã có sự dịch chuyển về cơ hội đầu tư không chỉ theo hướng sản xuất và gia công, mà đầu tư các ngành công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng cao cho đất nước. “Chúng ta cũng kỳ vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới. Nếu năm 2024 tận dụng tốt được cơ hội đó, có thể Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và tạo ra niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng… Đây là tiền đề để chúng ta tin đất nước sẽ phát triển và đạt mức tăng trưởng cao” - ông Cường nhận định.

Cũng cho rằng, nền kinh tế sẽ có nhiều điểm sáng hơn, TS. Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, trong năm qua, với rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Khi các chính sách này có hiệu lực sẽ tháo gỡ dần khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực này, qua đó tạo động lực, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Sơn nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối theo cách tiếp cận mới, tức là phân phối theo kiểu 4.0, thúc đẩy phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử; đồng thời, sử dụng các hình thức khuyến mại, xúc tiến thương mại… để kích thích tiêu dùng thị trường trong nước.

Đối với xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường; chú ý cân bằng giữa các loại thị trường để giảm thiểu tình trạng bị đứt gãy chuỗi. Đặc biệt, chúng ta cần tận dụng và khai thác hết tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. “Trên cơ sở các FTA, các Bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ cho doanh nghiệp để tiếp cận các thị trường đó, có những khuyến nghị về những mặt hàng có thể xuất vào các thị trường này, nhất là hướng đến sản xuất các sản phẩm xanh và bền vững. Còn nếu ký xong mà cứ để trên giấy, để doanh nghiệp tự bơi thì rất khó phát huy hiệu quả của các FTA này” - ông Sơn nhấn mạnh./.

GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022, với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%.

Cùng chuyên mục
Giữ đà đi lên của nền kinh tế