Phát triển kinh tế số: Cần những nguồn lực và động lực mới

TRỊNH VĂN BIỂN - Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty cổ phần MISA | 04/01/2024 11:07

(BKTO) - Chuyển đổi số đang là xu hướng, động lực đổi mới và phát triển đất nước nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Trong đó, kinh tế số là một trong ba trụ cột chính của chuyển đổi số quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế.

kinh-te-so.jpg
Chuyển đổi số là động lực để phát triển đất nước. Ảnh minh họa

Kinh tế số là trọng tâm phát triển kinh tế

Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt những xu hướng mới của công nghệ, kịp thời đưa ra định hướng, giải pháp chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Nghị quyết số 52/NQ-TW đã xác định: Phát triển kinh tế số là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều “hai chân”: Một là, phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là, đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tầu kinh tế số. Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển xanh và phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất.

Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%. Như vậy, kinh tế số được đặt là trọng tâm của phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nền kinh tế số Việt Nam đang ở giai đoạn mới phát triển, trong khi điều kiện về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn lực chưa đồng bộ và đầy đủ, cách hiểu về chuyển đổi số cũng mới sơ khai. Tuy trên cả nước có hơn 857.000 doanh nghiệp nhưng đa số thuộc các ngành, lĩnh vực truyền thống, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành ICT (sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truy cập internet) không nhiều.

Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: Kinh tế số nền tảng (dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, kinh tế thuật toán, kinh tế internet), kinh tế số ICT và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Năm 2022, ước tính sơ bộ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP là 14,26%, trong đó kinh tế số ICT là 9,02%, chiếm 65% quy mô kinh tế số, duy trì là một trong 10 nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Nhưng giá trị kinh tế số nền tảng hiện chưa có phương pháp đo đếm chính xác, vẫn đang lẫn trong tổng giá trị kinh tế số ICT và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Hơn nữa, kinh tế số trong GDP tại mỗi địa phương phụ thuộc nhiều vào tỷ trọng kinh tế số ICT, trong khi chúng ta xác định kinh tế số ngành/lĩnh vực mới là hướng phát triển chủ đạo của kinh tế số Việt Nam. Đây là một bài toán lớn cần tìm phương án, cách thức để giúp tiến trình phát triển kinh tế số trở nên bền vững, hiệu quả.

Cần những nguồn lực và động lực mới

Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số thì cả 3 cấu phần kinh tế số nền tảng, kinh tế số ICT và kinh tế số ngành/lĩnh vực phải cùng phát triển. Theo đó, Chính phủ cần thúc đẩy các doanh nghiệp ICT chủ đạo xây dựng nền tảng số lõi, còn các doanh nghiệp ICT nhỏ, cộng đồng lập trình viên tích hợp phần mềm cùng khai thác, cộng hưởng, phát triển hệ sinh thái. Việc có hệ sinh thái nền tảng số sẽ kéo theo hàng loạt dịch vụ, nhà cung cấp, người tiêu dùng cùng khai thác, cùng tạo giá trị kinh tế nền tảng. Ngoài ra, hệ sinh thái nền tảng số sẽ thúc đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề chuyển đổi số, từ đó đóng góp hàm lượng kinh tế số.

Trước mắt, chúng ta cần có thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số, đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Tiếp đó hạ tầng số phải đi trước, bao gồm các công nghệ số như: Cloud Computing, Big Data, IoT, AI, Robot... Cùng với đó, mô hình quản trị số cần được thiết lập để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế số được nhanh, bền vững là thành phần quan trọng của hiện đại hoá quản trị quốc gia.

Trong kinh tế số, dữ liệu không khác gì đất đai, vốn và lao động. Dữ liệu càng nhiều thì giá trị sẽ tăng theo cấp số nhân. Muốn có dữ liệu thì đầu tiên phải số hoá thế giới thực. Càng nhiều dữ liệu bao nhiêu thì càng nhiều tài nguyên bấy nhiêu.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang đi sau thế giới về trình độ, công nghệ, thể chế, vậy nên muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Với mức tăng trưởng chiếm 20-25% GDP thì kinh tế số có tốc độ phát triển gấp 4-5 lần tăng trưởng GDP, đây chính là động lực chính cho phát triển đất nước.

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 nêu rõ: Có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 94% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; 340.000 doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kế toán dịch vụ; hơn 5.000.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp. Để phát triển kinh tế số thì chính lực lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh này cần chuyển đổi số để đóng góp hàm lượng, giá trị số trong tổng thể nền kinh tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ số phải đóng vai trò đầu tàu, dùng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để giải các bài chuyển đổi số cho Việt Nam, đồng thời là lực lượng tiên phong, nòng cốt đưa các công nghệ số mới nhất về Việt Nam./.

THÙY LÊ (ghi)

Cùng chuyên mục
  • Giữ đà đi lên của nền kinh tế
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Kinh tế vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh; xuất khẩu dần phục hồi; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện… được đánh giá là những điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023. Những yếu tố này cũng là động lực quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong năm 2024.
  • Trong tháng 1, phải xử lý xong giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Sân bay Long Thành
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Long Thành cho biết, địa phương đã bàn giao toàn bộ diện tích đất sân bay Long Thành giai đoạn 1 cho chủ đầu tư. Giai đoạn 2 chỉ còn 3 trường hợp (diện tích khoảng 10 ha) chưa phê duyệt phương án bồi thường. Tuy nhiên, phạm vi giai đoạn 2 còn gần 460 trường hợp chưa tháo dỡ, di dời, trong đó có khoảng 230 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, số còn lại chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, chưa xét tái định cư.
  • Chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công do đâu?
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 12/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước (gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là trên 843.800 tỷ đồng.
  • Một số dự án giao thông trọng điểm gặp khó khăn trong giải ngân vốn
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang có tỷ lệ giải ngân cao. Tuy nhiên, những dự án này cũng đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguồn vật liệu...
  • Đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của Vùng Nam Đồng bằng sông Hồng
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển kinh tế số: Cần những nguồn lực và động lực mới