(BKTO) - Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợsinh kế không chỉ được nêu lên trong Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Dự án “Hỗtrợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011-2020)và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững 2012-2015” (Dự án PRPP)mà còn được người dân ghi nhận tại Hội nghị tổng kết BanChỉ đạo Dự án do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, ngày22/11.



Hiệu quả từ Dự án hỗ trợ giảm nghèo

Chị Hoàng Thị Liễu (xã Lương Can, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: Trước đây, gia đình chị cũng như nhiều gia đình trong xóm không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói khi giáp hạt. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Dự án PRPP hỗ trợ đến nay, gia đình chị có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Qua việc áp dụng mô hình này, chị đã tích lũy được những kinh nghiệm trong chăn nuôi, tự tin hơn trong phát triển sản xuất để thoát nghèo. Niềm vui của gia đình chị Liễu cũng là niềm vui chung của nhiều hộ dân tại 8 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh) được thụ hưởng Dự án PRPP do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ireland hỗ trợ.

Dự án PRPP đã trao quyền và tạo động lực cho người nông dân tự vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TS
Nhìn lại 4 năm thực hiện Dự án (2012-2015), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá: Ngoài việc hỗ trợ Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế chính sách theo định hướng, hiệu quả lớn nhất của Dự án này là phát huy nội lực của người dân, trao quyền và tạo động lực cho họ tự vươn lên thoát nghèo. Từ đây, sự kết nối giữa cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo với người dân diễn ra thường xuyên qua các buổi đối thoại chính sách, diễn đàn. Vai trò của cộng đồng cũng ngày càng được phát huy.

Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện Dự án, nhiều văn bản chính sách đã được tích hợp ở mức tối đa, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nhờ đó giảm sự chồng chéo, thiếu nhất quán, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao chất lượng giảm nghèo ở cấp cơ sở. Đáng lưu ý, lần đầu tiên, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia; xã và cộng đồng được phân bổ ngân sách trung hạn và lập kế hoạch trung hạn (3-5 năm).

Lần đầu tiên, các nguyên tắc tiếp cận nhân học trong phát triển bền vững nhằm phát huy kiến thức bản địa, đảm bảo tính phù hợp của hoạt động giảm nghèo với điều kiện địa phương, với phong tục tập quán của người dân… được giới thiệu, hướng dẫn và lồng ghép trong các chính sách, chiến lược giảm nghèo ở cấp quốc gia. Đặc biệt, nghèo đa chiều đã được giới thiệu, hoàn thiện phương pháp luận và thể chế hóa thành phương pháp đo lường nghèo chính thức, làm cơ sở định hướng cho chiến lược và chính sách ở cấp quốc gia với sự thống nhất cao của Quốc hội và Chính phủ… Kết quả này đã góp phần trong thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Báo cáo tổng kết Dự án PRPP nêu rõ.

Những bài học quý

Từ kết quả trên, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong xóa đói, giảm nghèo đã được nhóm chuyên gia UNDP đúc rút. Bài học đầu tiên là “sự thay đổi về chính sách khó có thể được hiện thực hóa nếu không có sự tham gia của các nhà lập chính sách”. Theo các chuyên gia của UNDP, chưa bao giờ, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo lại được đúc kết và thể chế hóa trong các chính sách giảm nghèo như hiện nay. Sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tích cực của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã góp phần quan trọng trong việc thiết kế chính sách.

Dự án PRPP cũng đã hỗ trợ tích cực cho quá trình rà soát và sắp xếp lại các chương trình, chính sách giảm nghèo để thu gọn đầu mối, tích hợp nhiều chính sách vào trong nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có ít chương trình, chính sách giảm nghèo hơn nhưng các chương trình, chính sách được thiết kế theo hướng có sự gắn kết và điều phối hiệu quả hơn. Điều này cho thấy, việc tích hợp các chính sách là cần thiết và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Các chuyên gia của UNDP cũng cho rằng, hoạt động của Dự án PRPP trong khuôn khổ thúc đẩy phát triển cộng đồng có đóng góp nhất định cho việc tăng cường nhận thức về tự chủ, chủ động thoát nghèo tại 8 tỉnh nêu trên. Trong thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nhiều cơ chế khuyến khích tự chủ, chủ động thoát nghèo cũng đã được tích hợp. Như vậy, tự chủ, chủ động thoát nghèo đang được nhận thức một cách rõ ràng hơn và được coi là điều kiện quan trọng để giảm nghèo bền vững.

Kinh nghiệm áp dụng, thực hiện những mô hình hỗ trợ sinh kế do Dự án PRPP tài trợ đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng, định hướng các chương trình, chính sách giảm nghèo cho giai đoạn sau 2015. Tuy nhiên, điều còn băn khoăn là năng lực thực thi ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, “nếu không có sự hỗ trợ một cách hiệu quả để nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở thì việc thể chế hóa những mô hình hỗ trợ sinh kế rất có thể sẽ trở thành rủi ro trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”- chuyên gia UNDP nhận định.

NGỌC MAI

Cùng chuyên mục
  • Bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 23/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau hơn một thánglàm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm.
  • Tiếp tục triển khai Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 11
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng22/11, tại Hà Nội, cuộc họp thứ 3 - Đề án nghiên cứu lần thứ 11 của ASOSAI vớichủ đề “Phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro” do KTNN ViệtNam đăng cai tổ chức đã chính thức khai mạc.
  • Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếptục nghị trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, tuần qua Quốc hội bước vào cácphiên chất vấn và trả lời chất vấn. Diễn ra trong 2 ngày rưỡi, Quốc hội tiếnhành chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng.
  • Thảo luận nội dung, tiếp thu kinh nghiệm tổ chức Đại hội ASOSAI 14
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nằm trong tiến trình chuẩn bị Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) tại Việt Nam năm 2018, từ ngày 09 - 15/11, đoàn cán bộ của KTNN do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với KTNN Malaysia (Chủ tịch ASOSAI đương nhiệm) và Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI đương nhiệm) nhằm thảo luận một số nội dung về công tác tổ chức Đại hội cũng như tiếp thu kinh nghiệm thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI.
  • Làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để các dự án thua lỗ
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của một số “siêu” dự án là chủ đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội nhiều lần nêu lên từ đầu kỳ họp. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề trách nhiệm của Bộ chủ quản, các cơ quan liên quan cũng như các giải pháp xử lý đối với các dự án này tiếp tục được các đại biểu quan tâm và yêu cầu làm rõ.
Giúp dân thoát nghèo bền vững