Gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh

(BKTO) - Việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, trong đó có điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp không chỉ đem lại “lợi ích kép” cho doanh nghiệp (DN) mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng xanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đòi hỏi cần các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.

dien.png
Sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp DN giảm chi phí điện năng trong dài hạn. Ảnh minh họa: S.T

Nhiều lợi ích lớn

Đánh giá về tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương - cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 419 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó 381 khu đang hoạt động và khoảng 900 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 700 cụm đã đi vào hoạt động, với hơn 40.000 DN đang hoạt động. Với lợi thế diện tích mái nhà xưởng rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện cao tập trung, tiềm năng khai thác điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, ước tính có thể lên tới 12-20 GWp, tương đương công suất của hơn 10 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn. Đây là một nguồn điện xanh khổng lồ ngay trong lòng các khu công nghiệp mà chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Chỉ ra lợi ích, ông Trung cho biết, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà giúp DN giảm chi phí điện năng trong dài hạn, tạo dựng hình ảnh xanh, nâng cao giá trị thương hiệu. Ở tầm vĩ mô, việc này giúp hệ thống điện quốc gia giảm áp lực, bổ trợ và ổn định nguồn cung, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Chia sẻ thêm về lợi ích đối với DN khi phát triển năng lượng xanh, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, hiện nay nhiều thị trường lớn trên thế giới, như các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) đã và đang đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng xanh, phát triển bền vững, theo đó, các nhà xuất khẩu cần đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm, bao gồm sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong sản xuất.

“Như vậy, việc sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất kinh doanh không đơn thuần chỉ là việc tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mà còn là yếu tố bắt buộc khi DN xuất khẩu vào các thị trường lớn” - ông Phòng nhấn mạnh.

Từ góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, giảm tiêu thụ điện, tăng sử dụng năng lượng xanh đang được các DN thủy sản ưu tiên đầu tư, chuyển đổi hệ thống.

Theo ông Nam, với quy mô công nghiệp, khoảng 1.000 nhà máy thủy sản hiện nay dù quy mô lớn hay nhỏ đều phải thực hiện cấp đông nên chi phí năng lượng rất lớn. Theo thống kê, chi phí điện nằm trong top 4 các khoản chi phí lớn của DN thủy sản. Do đó, các DN đều mong muốn đầu tư hệ thống điện ổn định, tiết kiệm chi phí như điện mặt trời mái nhà.

“Qua thực tế, điện mặt trời mái nhà được chứng minh mang lại hiệu quả kinh tế cho DN. Với hoạt động xuất khẩu, sử dụng điện mặt trời được các nhãn hàng lớn thế giới xem là điểm cộng trong quá trình thương thảo hợp đồng” - ông Nam nói.

Tương tự, đối với ngành hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cũng khẳng định nhu cầu chuyển dịch sang năng lượng xanh trong ngành dệt may đang ngày càng rõ nét. Theo ông Cẩm, dệt may là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng điện lớn nên việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, góp phần tiết kiệm chi phí lớn cho DN đồng thời đáp ứng yêu cầu xanh cho xuất khẩu.

“Các DN đã thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà đều phản hồi cho thấy việc sử dụng nguồn năng lượng này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như tại Nam Định, hiện có khoảng 60% DN trong ngành đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà” - ông Cẩm thông tin.

dmt.jpg
Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đã thực hiện lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh minh họa: S.T

Còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ…

Mặc dù việc đầu tư, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, trong đó có điện mặt trời mái nhà đang là nhu cầu rõ ràng và cấp thiết đối với các DN, tuy nhiên trên thực tế việc triển khai vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Rào cản đầu tiên được ông Nguyễn Ngọc Trung chỉ ra là hiện nay hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể, khiến DN gặp vướng mắc trong khâu đăng ký, đấu nối, vận hành hệ thống. Nhiều dự án đã phải tạm dừng chờ hướng dẫn, làm lỡ nhịp đầu tư.

Cùng với đó, gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu cũng là trở ngại lớn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đòi hỏi vốn đầu tư nhiều tỷ đồng cho mỗi MW, khiến không ít DN dù muốn cũng khó thu xếp được nguồn lực tài chính.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại nhiều khu công nghiệp chưa sẵn sàng cho việc tích hợp nguồn điện phân tán. Hệ thống lưới điện nội bộ của một số khu công nghiệp còn yếu, thiếu các thiết bị đo đếm và điều khiển hai chiều hiện đại, dẫn đến lo ngại về an toàn vận hành.

Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng về phát triển, quản lý hệ thống năng lượng xanh của một bộ phận DN còn hạn chế; không ít DN e ngại rủi ro công nghệ mới hoặc chưa đánh giá đúng lợi ích dài hạn của việc đầu tư năng lượng sạch.

Từ thực tế triển khai tại các khu công nghiệp phía Bắc, ông Đỗ Quang Thịnh - Giám đốc vận hành điện, Công ty Nam Tài Green Energy - chỉ ra thêm vướng mắc, đó là cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) quy định tại Nghị định 57/2025/NĐ-CP hiện chỉ áp dụng với khách hàng tiêu thụ từ 200.000 kWh/tháng, gây thiệt thòi cho các DN nhỏ và vừa – vốn cũng cần sử dụng điện xanh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tối ưu chi phí. Bên cạnh đó, việc áp dụng khung giá phát điện cho điện mặt trời mái nhà tương tự như điện mặt trời trang trại là không hợp lý, do quy mô và chi phí đầu tư khác biệt. “Dự án nhỏ bị thiệt vì giá thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Phan Công Tiến - Viện Nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (iSEAR) - cho biết, hiện nay trong các khu công nghiệp tại Việt Nam, phổ biến tồn tại hai mô hình cấp điện chính. Thứ nhất là mô hình cấp điện trực tiếp, tức là công ty điện lực tỉnh xây dựng hạ tầng và cung cấp điện cho DN trong khu công nghiệp qua lưới 22kV. Thứ hai là mô hình bán lẻ điện trong cụm, khu công nghiệp, theo đó đơn vị quản lý khu công nghiệp mua điện từ lưới 110kV và phân phối bán lại cho khách hàng ở cấp điện áp 22kV hoặc 0,4kV. Trường hợp DN trong cụm, khu công nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, đơn vị quản lý khu công nghiệp không được mua lượng điện dư để bán cho DN khác trong cùng khu. Điều này là một sự lãng phí rất lớn và là rào cản lớn để các khu công nghiệp xanh hóa và tự chủ năng lượng.

Bên cạnh đó, việc DN lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng làm giảm doanh thu của đơn vị quản lý khu công nghiệp - với vai trò bán lẻ điện. Đây là nguyên nhân chính nhiều DN không được đơn vị quản lý khu công nghiệp cho phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà...

Trước thực tế trên, để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng, minh bạch. Các Bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 57/2025/NĐ-CP và Nghị định 58/2025/NĐ-CP.

Đặc biệt, cần sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng về mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu trong khu công nghiệp (ví dụ: định mức công suất được bán dư lên lưới, hợp đồng mua bán điện nội bộ giữa DN trong khu công nghiệp, thủ tục đấu nối đơn giản hơn...). Khung pháp lý ổn định, minh bạch sẽ giúp DN yên tâm đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể xem xét các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ DN lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo. Ví dụ, áp dụng miễn, giảm thuế nhập khẩu cho thiết bị năng lượng xanh; cho phép khấu hao nhanh tài sản là hệ thống điện mặt trời; hoặc hình thành quỹ tín dụng xanh cho vay ưu đãi đối với dự án điện mái nhà.

Đồng thời, khuyến khích mô hình hợp tác ESCO (các công ty dịch vụ năng lượng). Theo đó, bên thứ ba đầu tư lắp đặt hệ thống, DN chỉ mua điện lại, giúp khắc phục bài toán vốn đầu tư ban đầu cho DN nhỏ.../.

Cùng chuyên mục
Gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh