Gỡ khó cho dự án NMNĐ Thái Bình 2

(BKTO) - Năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã có nhiều nỗ lực, nhưng những khó khăn trong việc triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 vẫn chưa được giải quyết triệt để.



Những nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ Dự án

Theo PVN, các mốc tiến độ của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đang bị chậm do một số nguyên nhân chính như công tác hoàn thiện phần xây dựng, lực lượng nhân lực, máy móc thiết bị, huy động của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ mua sắm vật tư chậm, cung cấp thiếu đồng bộ và thiếu chi phí do phải thu hồi tạm ứng và chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán. Đặc biệt, việc Tổng thầu dự án là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) chưa lựa chọn được nhà thầu vận hành chạy thử nhà máy đã khiến tiến độ tổng thể toàn dự án đều chậm.
                
   

NMNĐ Thái Bình 2

   
Tính đến hết năm 2018, tiến độ tổng thể dự án đạt gần 83%. Trong đó, công tác thiết kế đạt 99,54%, công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 99,64%, công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%.

Tuy nhiên, theo đại diện của PVN, hầu hết các hạng mục xây dựng chính của NMNĐ Thái Bình 2 đều được hoàn thành cơ bản, chỉ thiếu bước hoàn thiện do thiếu hụt về tài chính và nhân lực, kéo theo công tác xây dựng chưa đạt như tiến độ đề ra. Cụ thể, Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị khu vực nhà máy chính, hệ thống khí nén (đạt 95- 99%). Hiện tại, Dự án đang tiếp tục triển khai các hạng mục cung cấp nguyên nhiên liệu, phụ trợ như than, dầu. Nhưng những vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến các hạng mục thi công tại Dự án vẫn tương đối chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến các mốc tiến độ quan trọng của Dự án như mốc khởi động bằng dầu đầu tiên (đốt dầu) và mốc khởi động bằng than lần đầu (đốt than).

Về công tác chuẩn bị phát điện, Dự án đã hoàn tất các hạng mục công việc liên quan đến công tác đóng điện ngược Sân phân phối (SPP) điện 220kV và vận hành SPP 220kV ổn định, an toàn. Đồng thời, quy trình phối hợp vận hành giữa NMNĐ Thái Bình và NMNĐ Thái Bình 2 cũng đã được hoàn thành. Ban QLDA Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 cũng đã hoàn tất dự thảo hợp đồng khung thuê Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) vận hành NMNĐ Thái Bình 2. Ban QLDA đã phối hợp với các đơn vị đo thông mạch cáp các tủ điều khiển của hệ thống ESP (hệ thống cân bằng điện), thí nghiệm cấp 10kV, chuẩn hóa (calip) các đồng hồ đo đếm trong Nhà máy.
                
   

NMNĐ Thái Bình 2 đã hoàn tất đóng điện Sân phân phối 220 kV

   
Đáng chú ý, các mốc tiến độ dự kiến được Tổng thầu PVC lập trên cơ sở hoàn thành công tác lựa chọn và ký kết hợp đồng với Nhà thầu chạy thử trong tháng 3/2018. Vì vậy, việc chậm trễ lựa chọn nhà thầu chạy thử (hơn 4 tháng) đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các mốc chính và tiến độ tổng thể của dự án.

Căn cứ thực tế triển khai dự án, PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiến độ của dự án như Tổ máy 1 hoàn thành vào tháng 6/2019 và Tổ máy 2 hoàn thành vào tháng 9/2019.

Cần những văn bản hướng dẫn cụ thể

Thời gian qua, PVN đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ Dự án NMNĐ Thái Bình 2 về đích. Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo đặc biệt về Dự án cùng các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tích cực hỗ trợ cả về con người lẫn thiết bị đưa trực tiếp đến công trường.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức hàng chục cuộc họp, lấy ý kiến góp ý của Tổng thầu cùng các Nhà thầu tham gia xây dựng dự án, đề ra các giải pháp, tập hợp kiến nghị gửi lên Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ khó cho dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Tuy nhiên, cho đến nay, các kiến nghị về dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phản hồi, chỉ đạo cụ thể; một số Bộ, ngành chỉ đưa ra những ý kiến chung chung, chưa có hướng dẫn hay gợi ý phương án xử lý.

Ngoài ra, một vấn đề nổi cộm là Tổng thầu không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục triển khai Dự án. Bởi vậy, Ban QLDA đã yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập dự toán chi tiết về chi phí quản lý Dự án để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, Tổng thầu PVC cũng đang tích cực thoái vốn đầu tư tài chính trong những năm trước để dồn nguồn lực tiếp tục triển khai Dự án.

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013. Tính đến nay, Quyết định đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung còn vướng mắc.

Với tổng mức đầu tư lên đến 1,7 tỷ USD, mỗi tháng chậm tiến độ sẽ khiến Chủ đầu tư mất hàng triệu USD tiền lãi phải trả cho các tổ chức tín dụng. Đối với dự án vốn lận đận từ khi chưa “lọt lòng” như NMNĐ Thái Bình 2, bên cạnh sự nỗ lực của PVN và các đơn vị thành viên, cần sự chỉ đạo xem xét và hướng dẫn cụ thể hơn nữa của Chính Phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan.
         
Tính đến hết năm 2018, tiến độ tổng thể Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đạt gần 83%. Trong đó, công tác thiết kế đạt 99,54%; công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 99,64%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Tạo động lực thu hút nhà đầu tư, đối tác trong lĩnh vực dầu khí
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động dầu khí nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn- Tổng Giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn chia sẻ.
  • Gỡ bỏ nút thắt, huy động tối đa tài chính đầu tư vào ngành điện và khí
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Báo cáo “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố đưa ra nhận định: Vốn tư nhân sẽ là yếu tố chính để Việt Nam phát triển năng lượng. Cần tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân để thúc đẩy làn sóng đầu tư tiếp theo vào ngành điện và khí.
  • Đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp vẫn gặp khó bởi cơ chế, chính sách
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2018, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn trong nước đã quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn, quy mô của các DN nông nghiệp còn hạn chế.
  • Việt Nam - Điểm sáng trên bản đồ dệt may thế giới
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt trên 244 tỷ USD có sự đóng góp đáng kể của xuất khẩu dệt may với kim ngạch 36,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2017. Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 3 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
  • Sắp thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sở giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam là 3.000 tỷ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của HNX và HOSE.
Gỡ khó cho dự án NMNĐ Thái Bình 2