Nhà ở cho công nhân lao động còn quá ít so với nhu cầu
Tại Hội nghị về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân tại các KCN và KCX do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Vấn đề nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân lao động nhập cư tại các KCN, KCX đang là vấn đề rất bức xúc từ nhiều năm qua. Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho người lao động song trên thực tế, kết quả triển khai thực hiện vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của người lao động.
Cần sửa Luật Nhà ở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở cho công nhân lao động - Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, vấn đề nhà ở cho công nhân càng trở nên nóng bỏng. Phát biểu tại nghị trường Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang nêu thực tế: Hàng triệu công nhân từ Bắc đến Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát chật chội, thiếu tiện nghi, giá thuê cao. Có những địa phương, tại một thôn gần KCN chỉ có 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội. “Nếu không có giải pháp thì tình trạng này có thể kéo theo nhiều hệ luỵ không tốt về an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng giai cấp công nhân…” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án). Với diện tích kể trên thì cả nước mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân KCN, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020. |
Trong những năm qua, để góp sức chăm lo, cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và mới đây là Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận thấy vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu, nguồn vốn đầu tư…
Xây dựng chính sách riêng về nhà ở cho công nhân lao động
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, KCX là rất quan trọng. Do đó trong thời gian qua, các đơn vị của Bộ đã tập trung quan tâm, xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn…
Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, hai đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. “Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập ‘Tổ phối hợp’ để đi khảo sát tại một số địa phương nhằm ghi nhận đúng thực trạng khó khăn, qua đó đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, hai bên cũng cần trao đổi, góp ý vào việc sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó tập trung vào những nội dung nhằm tháo gỡ cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động; xây dựng chính sách riêng về nhà ở cho công nhân lao động KCN, KCX” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 cần quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong có nhà ở công nhân lao động KCN, KCX mang tính thực chất để thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân lao động, như: miễn tiền sử dụng dất; miễn, giảm Thuế VAT, Thuế Thu nhập DN; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật..
Ngoài ra, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân lao động KCN, KCX trong pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân lao động ngay trong KCN, KCX, coi nhà ở cho công nhân lao động là một hạ tầng thiết bị của KCN, KCX.
“Trước mắt, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở phục vụ cho công nhân lao động KCN, KCX thuận tiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KCX và khu kinh tế theo hướng trong KCN, KCX được bố trí nhà ở dành cho công nhân lao động thuê; trong quy hoạch KCN, KCX phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân lao động thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết bị chủ yếu phục vụ khu nhà ở công nhân lao động...” - ông Bùi Xuân Dũng đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Khang gợi ý, Bộ Xây dựng có thể xây dựng gói hỗ trợ đầu tư xây dựng việc xây dựng nhà ở công nhân lao động; xây dựng quy chuẩn về phòng trọ công nhân. Bởi hiện nay tại nhiều địa phương, cư dân gần KCN xây dựng những dãy nhà trọ tồi tàn, tạm bợ, khi công nhân lao động vào ở rất ẩm thấp, dễ phát sinh bệnh tật…
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng giao Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn và Ban Chính sách phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng để thành lập “Tổ phối hợp”, hoặc gấp rút xây dựng quy chế phối hợp giữa hai bên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.