Hà Nội đang khai thác thế mạnh của các ngành kinh tế mũi nhọn

(BKTO) - Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố 4 tháng đầu năm ước đạt 198,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 48,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

1w.jpg
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 là hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thường niên lớn nhất của Thành phố. Ảnh: hanoi.gov.vn

Theo đó, thu nội địa 4 tháng đầu năm là 189,3 nghìn tỷ đồng, đạt 50% dự toán và tăng 6,7%; thu từ dầu thô 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 52,2% và tăng 33%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7,2 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% và bằng 95,2% cùng kỳ năm 2023.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong nội địa là: khu vực doanh nghiệp nhà nước thực hiện 35,5 nghìn tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán năm và bằng 90,5% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 13,2 nghìn tỷ đồng, đạt 49,4% và tăng 11,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 41,4 nghìn tỷ đồng, đạt 52,7% và tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân 19,1 nghìn tỷ đồng, đạt 46,7% và tăng 14,2%; tiền sử dụng đất 6,3 nghìn tỷ đồng, đạt 17,5% và gấp 2,6 lần; thu phí, lệ phí 7,4 nghìn tỷ đồng, đạt 37,8% và tăng 22,7%.

Chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm ước thực hiện 27,6 nghìn tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 29,8% và tăng 8,2%; chi đầu tư phát triển 10,5 nghìn tỷ đồng, đạt 13% dự toán và tăng 18,1%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố trong 4 tháng ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,3 tỷ USD, giảm 2,7%. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ là: Nhóm hàng dệt may đạt 637 triệu USD, tăng 2,6%; hàng nông sản đạt 538 triệu USD, tăng 72%; Nhóm xăng dầu đạt 509 triệu USD, tăng 16,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 261 triệu USD, tăng 8,3%.

Các nhóm hàng khác như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 783 triệu USD, tăng 6,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 729 triệu USD, tăng 15,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 637 triệu USD, tăng 11,3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Thành phố ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 2 tỷ USD, giảm 4,6%.

Các nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 1.974 triệu USD, tăng 8,7%; xăng dầu đạt 1.790 triệu USD, tăng 5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 767 triệu USD, tăng 5,4%; sắt thép đạt 639 triệu USD, tăng 22,8%; chất dẻo đạt 397 triệu USD, tăng 5,9%; kim loại khác đạt 376 triệu USD, tăng 21,6%; hàng hóa khác đạt 4.308 triệu USD, tăng 12,2%.

Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.147 nghìn lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội đón khoảng 571 nghìn lượt khách trong nước, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023; Khách quốc tế ước đạt gần 1.576 nghìn lượt người, tăng 59,8% so với cùng kỳ.

Riêng tháng 4/2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 605 nghìn lượt người, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 450 nghìn lượt, tăng 60% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 155 nghìn lượt người, tăng 15,7% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông kê, hiện nay, Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71,2 nghìn phòng, trong đó 607 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng 4/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 66,1%, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao đạt 62,5%, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ du lịch đạt chuẩn tại Hà Nội đã thu hút, đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội đã khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”. Lễ hội được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng quảng bá điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn tại Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm-Sơn Tây và nhiều địa điểm hấp dẫn khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch mới, phong phú, độc đáo, hấp dẫn; tăng cường kết nối du lịch, văn hóa và con người từ các hoạt động trong sự kiện, khuyến khích nhu cầu đi và trải nghiệm của khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương liên kết.

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội, Hà Nội còn tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống nhằm mang đến sự đa dạng cho hoạt động trải nghiệm của các tầng lớp nhân dân và du khách như: Giải đấu Streets dance; Nhảy Flashmob; Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước “Hoàng thành Thăng Long”; Múa rồng nghệ thuật; Biểu diễn nhạc cụ dân gian “Thủ đô hào hùng”; Hoạt động vẽ tranh “Cảm xúc trong em”…

Cùng chuyên mục
Hà Nội đang khai thác thế mạnh của các ngành kinh tế mũi nhọn