4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 10.584 tỷ đồng, tương đương 33,3% dự toán, bằng 97,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 9.164 tỷ đồng, đạt 34,8 % dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 100,1% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 1.420 tỷ đồng, đạt 26,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 85,1% so với cùng kỳ.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công ước đạt trên 1.900 tỷ đồng, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Huyện Yên Lạc đạt 52%, huyện Bình Xuyên đạt 48,9%.
Tính đến 15/4, Vĩnh Phúc có 434 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 185 doanh nghiệp quay lại thị trường lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng và sản xuất, giúp hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh sôi động hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được 46 dự án, trong đó có 34 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 363 triệu USD, đạt gần 91% kế hoạch giao đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn đã khẳng định sức hút và niềm tin của các nhà đầu tư, tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu ngân sách và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong tháng 4/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 6.228 tỷ đồng, tăng gần 2,5% so với tháng 3 và tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vĩnh Phúc ước đạt hơn 24.680 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an ninh, chính trị được tăng cường. Lao động việc làm cơ bản ổn định, không có tình trạng các doanh nghiệp sa thải công nhân lao động vì thiếu đơn hàng.
Các sở, ban, ngành và địa phương trên toàn tỉnh đang nỗ lực khắc phục, giải quyết dứt điểm công tác xử lý vi phạm về đất đai, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…