Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Theo đó, Thành phố đặt chỉ tiêu hằng năm xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới, không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, từ đó giảm tai nạn giao thông 5-10%/năm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND Thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như sau: Xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố.
Trong đó, tập trung rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Nội cũng hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đảm bảo hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, các sở, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các quận của Thành phố trong việc cải tạo, chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận.
Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 1.865,207 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm. Trong đó, căn cứ theo nhiệm vụ, chức năng được giao, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tự chủ động lập kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên theo kế hoạch hằng năm; những nhiệm vụ đang triển khai được thực hiện theo các văn bản đã chỉ đạo của UBND Thành phố hoặc theo các kế hoạch, đề án đã được UBND Thành phố giao.
THÙY LÊ