Hà Nội - điển hình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(BKTO) - Chiều 29/11, tại Hội nghị kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) của TP. Hà Nội, các đại biểu đã cập nhật tình hình triển khai CVĐ cũng như đề ra những định hướng để CVĐ đạt kết quả cao trong thời gian tới.



Nhiều kết quả đáng khích lệ

Thời gian qua, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại- dịch vụ văn minh, hiện đại đến năm 2025, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2018, Kế hoạch phát triển hoạt động logistics năm 2018… Đồng thời, Hà Nội tập trung xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống thương mại. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, 454 chợ, 491 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 8.426 website ứng dụng thương mại điện tử…
                
   

Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội hưởng ứng CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

   
Nhằm đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Hà Nội đã tổ chức 8.000 điểm bán hàng; 460 chuyến bán hàng lưu động, 13 hội chợ, phiên chợ Việt phục vụ Tết; thông tin 198 điểm bán các mặt hàng thiết yếu. Tổng giá trị hàng hoá các doanh nghiệp tại Hà Nội đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đạt gần 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với kế hoạch, trong đó tỷ trọng hàng hóa Việt Nam chiếm từ 80-95%.

Năm 2018, các doanh nghiệp cũng đã tổ chức hơn 80 chuyến bán hàng lưu động, kết hợp đưa hàng đến các đại lý tại khu vực ngoại thành, hưởng ứng bán hàng hóa trong dịp Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3, Tháng Công nhân (tháng 5), Tháng Khuyến mại (tháng 11)…

Riêng Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” là sáng kiến của Ban chỉ đạo CVĐ TP. Hà Nội nhằm kết nối cung- cầu, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đến người tiêu dùng. Năm 2018, chương trình đã thu hút 50.618 lượt bình chọn của người tiêu dùng. Kết quả, 133 sản phẩm, dịch vụ thuộc 12 ngành hàng của 74 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn và được Hà Nội công nhận là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua, CVĐ đã được triển khai tại Hà Nội với nhiều hoạt động sâu rộng, đặc biệt là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại hàng hóa có chất lượng, thương hiệu; phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa…

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp 3,4 trên nền tảng thống nhất, đồng bộ. Năm 2018, toàn thành phố có 689/1.923 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 35,82% tổng số dịch vụ công trực tuyến, giúp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá về việc thực hiện CVĐ của TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ cho rằng, cách triển khai tại Hà Nội là điển hình có thể tham khảo nhân rộng.
                
   

Quang cảnh Hội nghị

   
Trong thời gian tới, Hà Nội cần tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ, từ đó đề ra kế hoạch cho thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố để góp phần cho thành công chung của chương trình trên quy mô toàn quốc trước ngày 31/5/2019. Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp cùng sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và nỗ lực đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của nước ngoài.

Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ TP. Hà Nội sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho hàng Việt Nam chất lượng cao để người tiêu dùng biết và ưu tiên sử dụng; tập trung tham mưu, đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở sản xuất, DN cải tiến mẫu mã sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt. Về hoạt động lưu thông hàng hóa, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai mạng lưới phân phối hiện đại, phát triển thương mại điện tử; kết nối thương mại với nhiều lĩnh vực dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu và gian lận thương mại...

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Hà Nội - điển hình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”