Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, thời gian qua, công tác tuyên tuyền các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố được triển khai mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi biện pháp, không ngừng đổi mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội.
Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020-2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề, học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Hà Nội là địa phương tập trung nhiều trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về ‟Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố” do Thường trực HĐND phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức, cử tri các quận, huyện đề nghị: Thành phố cần có giải pháp để ưu đãi đào tạo về trình độ sơ cấp các đối tượng là đoàn viên thanh niên; đào tạo nghề cho người khuyết tật cần gắn với việc làm sau đào tạo, để người khuyết tật tự hào với sự vươn lên phấn đấu của họ còn có ích cho mình, xã hội; tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương...
Đại diện các trường đào tạo nghề cho rằng, doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỉ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh. Do đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao; phân luồng tốt học sinh, để đảm bảo với ngành nghề chất lượng cao thì học sinh phải có chất lượng tương đối đáp ứng đào tạo.
Các cử tri đặt ra nhiều bài toán xung quanh vấn đề cung - cầu lao động và đào tạo nghề. Cụ thể: Nhiều nhà máy điện tử, da giày, thời trang đặt ở vùng ven Hà Nội hiện đang tìm lao động tại các địa phương nhưng gặp khó do chênh lệch chất lượng. Điều này đặt ra bài toán liên thông, liên kết vùng, cách tiếp cận của người lao động với nghề phù hợp để doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang phát triển nhanh, được Chính phủ ưu tiên phát triển, thì thành phố Hà Nội có góc nhìn, chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào? Tương lai ngành trí tuệ nhân tạo có khả năng thay các ngành lao động chân tay, máy móc. Trong bối cảnh đó, nhiều ngành đào tạo trong các trường đại học sẽ có sự thay đổi về mặt nhu cầu của thị trường lao động, vậy Thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào để lao động của thị trường Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh với thị trường lớn hơn?
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thời gian tới, UBND Thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thay đổi nhận thức của xã hội, nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp, tránh tâm lý coi trọng bằng cấp rất nặng; trong khi tốt nghiệp đại học lại khó tìm việc, trong khi doanh nghiệp thiếu lao động có tay nghề cao.
Thành phố sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình mô hình các trường nghề, trong đó có 4 trường đào tạo chất lượng cao, bảo đảm điều kiện vận hành, kiểm định chất lượng; đồng thời trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng trong đào tạo, giải quyết việc làm như đối tượng khuyết tật, thanh niên, người chấp hành xong án phạt tù… để kịp thời chính sách tới từng nhóm đối tượng. Sau khi Luật Thủ đô sửa đổi thông qua, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành tham mưu UBND Thành phố các dự thảo nghị quyết trình HĐND Thành phố để thực hiện các danh mục chính sách liên quan đến lĩnh vực này.
Theo Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, với vị trí vai trò đặc biệt của Thủ đô, yêu cầu đặt ra về đời sống việc làm rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chỉ đạo bằng nghị quyết, chương trình công tác, tiêu biểu là Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị, khi triển khai thực hiện UBND cần quan tâm về giải pháp, lộ trình; các kế hoạch triển khai phải khoa học, thực chất, hiệu quả, trong đó cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo cung - cầu hợp lý; đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống. Các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội cùng vào cuộc, giám sát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm; chú trọng đưa các nghị quyết của HĐND Thành phố, chương trình cho vay đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay đối với học sinh, sinh viên vào đời sống.