Hà Nội sẽ tập trung đầu tư vào 6 ngành, lĩnh vực văn hóa mũi nhọn

(BKTO) - Hiện nay, có 12 ngành công nghiệp văn hóa, nhưng từ kinh nghiệm của thế giới và tình hình thực tế, Thủ đô Hà Nội lựa chọn lựa 6 ngành trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.



                
   

Đoan Môn - Cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long.
   Ảnh: TTXVN

   

Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII là Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề theo Chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy Hà Nội.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết dựa trên tình hình thực tiễn về phát triển văn hóa của Hà Nội và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của Thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% trong GRDP của Thành phố, đến năm 2030 đóng góp 7%, đến năm 2045 đóng góp 10%.

Giải trình về các vấn đề liên quan đến Dự thảo Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội có tiềm năng rất to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước với 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, Hà Nội có 3 di sản được Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, từ năm 2019, Hà Nội đã tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Hà Nội còn là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước, là một trong số ít Thủ đô có tới 1.350 làng nghề, trong đó có những làng nghề trên 1.000 năm tuổi.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn giúp gắn kết văn hóa với kinh tế, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội; hiện thực hóa chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu mới nhất từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giới thiệu quảng bá, xuất khẩu sản phẩm văn hóa...

Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Tuy nhiên, giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn Thành phố nên chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% là phù hợp và có tính khả thi.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động, vì vậy, phát triển công nghiệp văn hóa mở ra nhiều triển vọng. Mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa nhưng Thành phố tập trung đầu tư vào 6 ngành, lĩnh vực để trở thành kinh tế mũi nhọn, đó là: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. “Nghị quyết này hoàn toàn có tính khả thi. Bất kỳ địa phương nào của Thành phố cũng có lợi thế và hoàn toàn tổ chức thực hiện được. Quan trọng là cách làm, bước đi như thế nào” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Tổng hợp kết quả thảo luận tại các tổ, 32 lượt đại biểu đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tận dụng tối đa kho tàng di sản đồ sộ nhưng chưa được khai thác hết của Hà Nội.

Kết luận tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá: Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội; từ đó, từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thành phố, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nộiyêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tổng hợp tiếp thu nghiêm túc, tối đa các ý kiến góp ý của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và ý kiến của các đại biểu; hoàn thiện và ban hành để cả hệ thống chính trị Thành phố tổ chức thực hiện./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
  • Bộ trưởng Bộ Y tế: Việc gia hạn vắc xin theo thông lệ quốc tế
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều tối 01/12, Bộ Y tế thông tin đến báo chí về việc gia hạn sử dụng của vắc xin phòng Covid-19 Pfizer. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc gia hạn vắc xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế. Mọi vắc xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân.
  • Tọa đàm trực tuyến “Lợi ích của hóa đơn điện tử”
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Đó là chủ đề Tọa đàm do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 01/12.
  • Ngày 28/11, Việt Nam ghi nhận 12.936 ca nhiễm Covid-19 mới
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 27/11 đến 16h ngày 28/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.936 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 12.928 ca ghi nhận trong nước (giảm 120 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 7.100 ca trong cộng đồng).
  • VCCI: Cần minh bạch về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định tại Dự thảo về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi còn thiếu minh bạch.
  • Doanh nghiệp Thụy Sỹ có rất nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp (DN) Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với DN Việt Nam trong các lĩnh vực mà DN Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hà Nội sẽ tập trung đầu tư vào 6 ngành, lĩnh vực văn hóa mũi nhọn