Trong Công văn này, UBND TP. Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 180/KH-UBND của TP. Hà Nội về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống bệnh dịch. Đặc biệt là xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch bệnh.
UBND TP. Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm các nội dung theo Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh để chủ động các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan.
Trước diễn biến của tình hình dịch tả lợn châu Phi, ngày 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Chỉ thị số 21/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trong Chỉ thị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh động vật khác./.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An… gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.