Các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định về pháp luật trong kinh doanh trái cây an toàn; xử lý nghiêm các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ đó, tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được hạn chế.
Một số vụ việc tiêu biểu như Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra 21 vụ việc liên quan đến trái cây, xử phạt hành chính 292 triệu đồng; giá trị tang vật vi phạm là 270,965 triệu đồng (đã xử lý tang vật vi phạm gồm các sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: thanh trà, táo khô, nho khô, táo đỏ, cam, lê...).
Lực lượng công an Thành phố đã kiểm tra, xử lý 193.465 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy, phạt tiền 366,1 tỷ đồng. Trong đó, 40.101 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, lồng ghép trong các đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm, hậu kiểm về an toàn thực phẩm... Đồng thời, trong quá trình kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra đã thực hiện hướng dẫn các cửa hàng hoàn thiện các thủ tục, điều kiện để được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, do đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến huyện, tuyến xã còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, không có chuyên môn về an toàn thực phẩm nên quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn hàng cung cấp trái cây được hình thành qua rất nhiều kênh như đường hàng không, đường bộ, chợ đầu mối... trong khi lực lượng kiểm tra mỏng, do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn.
Các cửa hàng kinh doanh trái cây nhỏ lẻ hầu hết nhập hàng từ chợ đầu mối, không mua trực tiếp từ nhà sản xuất nên gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ mua gom nhiều mặt hàng với số lượng ít nên tâm lý ngại lấy các giấy tờ để chứng minh nguồn gốc với lý do người bán hàng không cung cấp thông tin, dẫn đến chỉ xuất trình được hóa đơn bán lẻ ghi chép không rõ ràng…
Người tiêu dùng vẫn còn thói quen “tiện đâu mua đấy”, chưa chú trọng nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, xử lý của các lực lượng chức năng.
Ông Chu Xuân Kiên cho biết, UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo UBND các phường phối hợp cùng các phòng, ban, ngành của quận, Đội Quản lý thị trường kiểm tra, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng để kinh doanh trái cây; giao UBND các phường định kỳ, đột xuất kiểm tra, giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây trái phép, gây mất trật tự giao thông, không bảo đảm văn minh đô thị và an toàn thực phẩm.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở - cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định về quản lý, kinh doanh trái cây trên các phương tiện thông tin đại chúng
Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tiếp tục công khai các cơ sở được cấp biển nhận diện, cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn. Sở Công Thương và các địa phương hướng dẫn chủ các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật. Thành phố dự kiến, 100% cửa hàng có đăng ký kinh doanh, 100% người trực tiếp kinh doanh trái cây được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đề án được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý, kinh doanh trái cây, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng, hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm trái cây, lễ hội trái cây, tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố, hội chợ tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn… để đưa các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng của các tỉnh về tiêu thụ trên địa bàn thành phố và vào các kênh phân phối hiện đại./.