Phương tiện giao thông cá nhân TP. Hà Nội tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông có nguy cơ tăng cao trở lại. Ảnh: TL
Nhiều áp lực lên hệ thống giao thông
Thời gian qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phối hợp chặt chẽ với TP.Hà Nội trong việc đầu tư kết cấu HTGT, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. TP.Hà Nội cũng đã tập trung kết nối được tuyến đường vành đai II, đặc biệt là đầu tư các cầu vượt, hầm chui, nâng chất lượng kết cấu HTGT, nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện bộ mặt hạ tầng đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện phát triển chung cho vùng thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tuy nhiên, HTGT của thủ đô Hà Nội còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. Các tuyến đường vành đai I, II, III, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh; các tuyến vành đai IV, V chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 5,3 triệu xe máy, 560.000 ôtô, 10.000 xe đạp điện, tốc độ tăng ôtô khoảng 17%/năm, xe máy khoảng 11%/năm, bằng 1,5 đến 2 lần tốc độ tăng GDP. Bình quân mỗi tháng trên địa bàn Hà Nội có khoảng 18.000 đến 20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000 đến 8.000 ôtô đăng ký mới, với tốc độ này và nhất là từ năm 2018 khi các dòng thuế liên quan giảm thì dự kiến đến năm 2020 Hà Nội có gần 1 triệu ôtô (chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy. Bên cạnh đó, dân số Hà Nội cũng tăng trưởng rất nhanh với 7,6 triệu dân hiện nay và khoảng 3 triệu người vãng lai, đẩy sức ép vào HTGT.
Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ
Để khắc phục những bất cập hiện nay, Hà Nội đang trình Thủ tướng Chính phủ Đồ án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP.Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới kết cấu HTGT đồng bộ để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20% đến 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18% đến 23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3% đến 4%. Đồng thời tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cùng 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, 4 cầu mới cùng 4 cầu hiện hữu qua sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông khác. Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm; 8 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 2 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía; trong đô thị, có 1 cao tốc, 2 đường vành đai và 11 trục chính phía Bắc sông Hồng và 9 trục phía Nam sông Hồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, một số nội dung quy hoạch khó thực hiện theo lộ trình, song song với đó, việc triển khai một số dự án trên địa bàn còn chậm. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Hệ thống đường vành đai đô thị chưa hoàn chỉnh, tạo áp lực lớn lên mạng lưới giao thông. Đáng chú ý, hiện có nhiều tuyến đường nội đô chưa được mở rộng nên thường xuyên bị ách tắc vào giờ cao điểm và một số tuyến giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh chưa được xây dựng dẫn đến các đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn đầu tư và thu hút người dân sinh sống.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp mới đây với Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị TP.Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT cùng chủ động triển khai quy hoạch GTVT TP.Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô, chuẩn bị trước những khâu, những việc khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Để làm được điều này cần các cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư bằng các hình thức đa dạng như: vốn ODA, đối tác công tư - PPP. Đối với các công trình kết cấu HTGT khung, đặc biệt là các công trình đường sắt đô thị, phấn đấu triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bằng các cơ chế đặc thù, trong đó có việc khai thác, sử dụng quỹ đất tại các nhà ga đường sắt để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu HTGT. Nguồn vốn cho hạ tầng của Hà Nội cũng như cho cả nước luôn chiếm phần lớn chi ngân sách, nhưng sẽ luôn không đủ, không đáp ứng nhu cầu, nếu chỉ nhìn vào hạ tầng mà không chú trọng vào công tác quản lý. Đồng thời để tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho Thủ đô cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông.
LÊ HÒA