Buổi kết nối tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm nhằm khắc phục tổn thất sau bão Yagi.
Đến tham dự buổi kết nối có hơn 600 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham dự và hơn 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm Ocop đặc sản vùng miền của các doanh nghiệp hội viên doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở miền Bắc, các chợ đầu mối thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh...
Đây cũng là lần đầu tiên Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý tỉnh tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện Thanh Hà. Tham dự hội nghị có đại diện của Bộ Công Thương, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở miền Bắc, các chợ đầu mối thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh và gần 600 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hệ thống thu mua và các siêu thị của nhiều tỉnh thành tham gia.
Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm sau bão Yagi, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sản phẩm tham dự hội nghị đã chia sẻ những kinh nghiệm trong thu mua, xuất khẩu với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại tỉnh Hải Dương cũng như kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại với sản phẩm đối với những thị trường trong và ngoài nước hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, ông Ngô Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý tỉnh Hải Dương khẳng định, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin hàng hóa, nắm bắt thông tin thị trường từ đó lan tỏa những sản phẩm đến mọi miền của đất nước cũng như hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới. Ngoài các gian hàng trực tiếp được trưng bày, hội nghị còn có 80 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm trực quan để giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất tìm hiểu để kết nối thuận lợi và hiệu quả.
Năm 2024, tỉnh Hải Dương đã tăng cường liên kết, hợp tác và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các khu vực, vùng kinh tế trọng điểm và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại quy mô lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh đã liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử thông qua các nền tảng số như Youtube, TikTok, Fanpage,… những hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và hợp tác với các doanh nghiệp ở Hải Dương để tiêu thụ sản phẩm.
Hải Dương được đánh giá là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản có giá trị kinh tế cao như vải thiều, gạo nếp cái hoa vàng, cà rốt, hành tỏi…. Trung bình hàng năm, Hải Dương sản xuất khoảng 750 nghìn tấn lúa gạo, 900 nghìn tấn rau củ, 300 nghìn tấn quả. Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân trong tỉnh.
Hội nghị có 120 gian hàng được trưng bày với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng như: ổi, vải sấy khô, chuối sấy, mít sấy, dầu gội, trầm hương, mật ong,…; trong đó, 60 gian hàng là các sản phẩm ở các địa phương trong tỉnh Hải Dương, 20% tổng số gian hàng là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.