Trung bình 6,5 ngày/cuộc KTSTQ
Năm 2023, Cục Hải quan Quảng Ninh giao chỉ tiêu cho lực lượng KTSTQ trong toàn Cục thực hiện 115 cuộc kiểm tra (gồm 40 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, 75 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan), với số thu ngân sách nhà nước là 8 tỷ đồng.
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong công tác này, Chi cục KTSTQ đã triển khai nhiều chuyên đề như: kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đi Ấn Độ; kiểm tra trị giá mặt hàng đôlômít xuất khẩu; kiểm soát rủi ro mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu; xe ô tô chở người trong sân golf; máy giặt nhập khẩu... Trong đó, Chi cục đã tham mưu cho Cục Hải quan Quảng Ninh đề xuất Tổng cục Hải quan phê duyệt kiểm tra 3 doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh có dấu hiệu nghi vấn về khai sai trị giá mặt hàng đôlômít xuất khẩu.
Trong năm, Chi cục KTSTQ đã thực hiện thu thập, phân tích và xử lý thông tin chuyên sâu đối với 61 phiếu thông tin do các đơn vị thuộc và trực thuộc cung cấp (theo Quy chế phối hợp thu thập, cung cấp thông tin phục vụ công tác KTSTQ cấp Cục).
Trong năm, Chi cục đã tham mưu cho Cục Hải quan Quảng Ninh ban hành 65 quyết định KTSTQ cấp Cục, 94 quyết định ấn định thuế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Kết thúc các cuộc kiểm tra, Chi cục đã gửi 56 công văn cung cấp thông tin được phát hiện qua hoạt động KTSTQ cho phòng quản lý rủi ro; gửi 52 thông báo kết quả kiểm tra cho các chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai; ban hành 1 công văn cảnh bảo rủi ro về mã số thuế suất gửi các chi cục hải quan trực thuộc Cục.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Chi cục KTSTQ cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ, Chi cục đã thực hiện tổng hợp dữ liệu các tờ khai đăng ký trên địa bàn trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2022 với tổng số 524.047 tờ khai, 2.632.262 dòng hàng của 3.850 doanh nghiệp. Chi cục đã xây dưng 18 gói dữ liệu theo doanh nghiệp, 75 gói dữ liệu theo nhóm hàng để phân công cán bộ, công chức kiểm tra, rà soát, đánh giá thông tin, lựa chọn đối tượng KTSTQ năm 2023. Trong năm, đơn vị đã tập trung thu thập, xử lý thông tin và thực hiện KTSTQ đối với các chuyên đề lớn, có dấu hiệu rủi ro cao.
Trong năm qua, Chi cục KTSTQ đã triển khai hoành thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Điều đáng nói, thời gian kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan do Chi cục thực hiện được rút ngắn đáng kể, trung bình 6,5 ngày/cuộc.
Chi cục KTSTQ đã thực hiện 59 cuộc kiểm tra, kết thúc 59/55 cuộc đạt 107% chỉ tiêu; truy thu nộp ngân sách 10,55 tỷ/7,5 tỷ đồng, đạt 141% so với kế hoạch, tăng 9% so với năm 2022. Trong đó, phát hiện 52/59 doanh nghiệp vi phạm gồm 2 doanh nghiệp vi phạm khai sai trị giá hải quan chiếm 3,8%, thu ngân sách 210 triệu đồng; 6 doanh nghiệp vi phạm về quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, chiếm 11,5%, thu ngân sách 5,7 tỷ đồng; 44 doanh nghiệp vi phạm về mã số, thuế suất chiếm 84,7%, thu ngân sách trên 4 tỷ đồng.
“Năm 2023, Chi cục KTSTQ đã tham mưu xây dựng kế hoạch, phân giao chỉ tiêu, tổ chức triển khai nhiệm vụ KTSTQ xuyên suốt từ cấp Cục đến cấp Chi cục ngay từ đầu năm và đạt hiệu quả. Qua công tác KTSTQ đã góp phần tích cực tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật”, lãnh đạo Chi cục KTSTQ chia sẻ.
Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Lãnh đạo Chi cục KTSTQ cũng cho biết, các quy định của pháp luật về công tác KTSTQ và quy trình KTSTQ sửa đổi, bổ sung dự kiến ban hành trong năm 2024 sẽ tiếp tục tạo thuận lợi về pháp lý, tăng cường thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong khâu “hậu kiểm”. Việc KTSTQ tiếp tục tập trung đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất, có tỷ lệ phát hiện vi phạm và truy thu ngân sách nhà nước cao.
Theo đó, Chi cục KTSTQ tiếp tục tham mưu cho Cục tổ chức triển khai công tác KTSTQ tập trung, phân công, giao việc, quản lý công việc để kiểm soát được số liệu, tình hình phát sinh tại các chi cục hải quan; tăng cường kiểm soát hồ sơ, chủ động rà soát, phát hiện, tham mưu xử lý kịp thời đối với những nội dung sai sót, tiềm ẩn rủi ro, áp dụng chưa thống nhất văn bản. Qua các cuộc KTSTQ kịp thời đưa ra những cảnh báo rủi ro về những sai phạm trong khâu trong và sau thông quan để các chi cục kịp thời khắc phục, thực hiện thống nhất.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và đổi mới công tác thu thập thông tin, áp dụng các biện pháp để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Lựa chọn công chức và phân công công chức chuyên trách thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin chuyên sâu theo từng nhóm loại hình; xây dựng danh bạ doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023 phục vụ lựa chọn đối tượng kiểm tra. Thường xuyên nắm bắt các địa bàn, đặc biệt đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp và các địa bàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các chi cục hải quan cửa khẩu, đội kiểm soát, cơ quan chức năng quản lý địa bàn để nắm bắt thông tin trao kịp thời về doanh nghiệp từ đó tổ chức kiểm tra ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm…