Hạn chế lao động xuất khẩu bỏ trốn: Cần chế tài mạnh cùng chính sách hỗ trợ, tạo việc làm

(BKTO) - Trước tình hình lao động đi xuất khẩu bỏ trốn ngày càng có xu hướng gia tăng hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, giải pháp để hạn chế tình trạng này là triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm hậu xuất khẩu và đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lao động xuất khẩu bỏ trốn do chế tài xử phạt chưa nghiêm

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh. Lý do là bởi các địa phương này không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Các địa phương bị tạm dừng gồm: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP. Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Trước đó, trong năm 2022, cũng 8 địa phương của 4 tỉnh này đã bị dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc.

Bộ LĐTBXH cho biết, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022. Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Đây không phải lần đầu các địa phương bị “cấm” xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vì người lao động bỏ trốn. Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn có nguyên nhân từ chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm minh.

Theo quy định, người lao động trước khi xuất cảnh chỉ phải ký quỹ 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP (trước năm 2020 là Nghị định số 95/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cho phép phạt tiền người vi phạm đến 100 triệu đồng. Tổng số cả hai khoản tiền trên chỉ vào khoảng 3 - 4 tháng lương nếu lao động Việt trốn được để ra làm bên ngoài.

Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong những năm qua tại thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh chế tài chưa đủ nghiêm minh, chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn cũng là một trong những nguyên nhân. Nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH - cho biết: Các trường hợp cư trú bất hợp pháp/lao động bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước đều là các trường hợp vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn gây hậu quả cho những người lao động khác tại địa phương.

Ông Liêm cũng cảnh báo các lao động cư trú bất hợp pháp khi gặp phải những vấn đề phát sinh như bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương, họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc họ tự phải gánh chịu hậu quả.

Nhiều giải pháp hạn chế lao động xuất khẩu bỏ trốn

Để hạn chế tình trạng này, đại diện doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ việc thu phí của công ty xuất khẩu lao động và xử phạt nặng đơn vị làm sai; có chế tài đủ mạnh với doanh nghiệp, lao động phá vỡ hợp đồng như phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về lâu dài, Nhà nước cần tạo việc làm cho lao động hậu xuất khẩu. Thực tế, nhiều người thất nghiệp sau khi về quê càng thôi thúc người đang làm việc tìm mọi cách ở lại. Bộ LĐTBXH cũng cần đàm phán nâng thời hạn hợp đồng đi làm việc lên hơn 5 năm thay vì mức thông thường 3 năm như hiện nay. Có như vậy, lao động mới yên tâm làm việc, không còn tâm lý bỏ trốn ra ngoài hoặc hết hợp đồng không về nước.

Ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - cho rằng, nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng, họ sẽ không tìm được việc làm phù hợp ở quê hương. Do vậy, hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng.

Ý kiến từ các địa phương cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho đối tượng lao động xuất khẩu. Đồng thời, giảm các thủ tục xuất - nhập cảnh… nhằm hạn chế việc lao động bỏ trốn để làm thêm, vì đã phải vay lãi cao phục vụ cho việc đi lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cần đề nghị và phối hợp tốt với chính phủ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong việc tăng cường quản lý lao động bỏ trốn, nhất là hỗ trợ Việt Nam trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Đây là điều kiện để giúp Việt Nam có điều kiện cưỡng chế lao động bỏ trốn về nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đưa đi nước ngoài làm việc. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, các địa phương có người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trên địa bàn./.

Cùng chuyên mục
Hạn chế lao động xuất khẩu bỏ trốn: Cần chế tài mạnh cùng chính sách hỗ trợ, tạo việc làm