Hạn chế tình trạng địa phương xin điều chỉnh dự toán vay lại

Trước thực trạng có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại hơn 5.500 tỷ đồng, Bộ Tài chính đề xuất kiên quyết loại bỏ các dự án không có khả năng giải ngân.

11-thay.jpg
TP. Hồ Chí Minh là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại

Bộ Tài chính cho biết, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2023 được Quốc hội quyết định là hơn 34.511 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là hơn 18.394 tỷ đồng. Dự toán đã được các địa phương phân bổ, nhập hệ thống Tabmis tính đến ngày 31/8/2023 là hơn 13.528 tỷ đồng, chiếm 73,6% dự toán Quốc hội phê duyệt; giải ngân là hơn 1.943 tỷ đồng, đạt 10,6% dự toán Quốc hội phê duyệt.

Đến ngày 31/8, đã có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Trong đó, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại với tổng số đề nghị giảm là 5.565,149 tỷ đồng, gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang. 6 địa phương, gồm: Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ đề nghị tăng dự toán vay lại với tổng số tiền đề xuất là hơn 349 tỷ đồng. Lý do 6 tỉnh này xin bổ sung kế hoạch vốn để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.

Trong các địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, TP. Hồ Chí Minh là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất, chiếm 50% tổng số kế hoạch vốn trả lại. Riêng Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội, ngay sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp thẩm định nội dung này, ngày 31/10/2023, UBND Thành phố đã có văn bản đề nghị không tăng dự toán vốn vay lại như đề xuất trước đây (xin tăng 221,693 tỷ đồng) mà xin giảm dự toán vay lại 8,9 tỷ đồng. Việc này thể hiện sự không nhất quán trong các quyết định và chưa quản lý sát dự án của UBND TP. Hà Nội, đồng thời làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền của các cơ quan.

Bộ Tài chính cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thống nhất về chủ trương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2023 cho các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời khẳng định việc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 là cần thiết, nhằm đảm bảo điều chỉnh, bổ sung kịp thời vốn vay lại cho các dự án thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nội dung điều chỉnh này đã được Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Loại bỏ dự án không có khả năng giải ngân

Qua tổng hợp từ các địa phương, theo Bộ Tài chính, có 4 nhóm nguyên nhân của việc xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn vay lại của các địa phương.

Thứ nhất, do địa phương có các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư (chưa ký Hiệp định vay, Hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, sử dụng vốn dư). Thứ hai, do các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Thứ ba, các dự án điều chỉnh giảm để phù hợp với kế hoạch vốn cấp phát được giao hoặc phù hợp với nhu cầu và tiến độ triển khai dự án. Thứ tư, do các dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn. Nhóm nguyên nhân này mang tính chất chủ quan do các địa phương, chủ dự án không thực hiện tốt các khâu chuẩn bị dự toán như: Đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế… dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân dự án.

Trong số các nhóm dự án xin điều chỉnh giảm dự toán vay lại, nhóm các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là nhóm chiếm số tiền lớn nhất (47% tổng số tiền đề xuất giảm); nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ là nhóm có số tiền lớn thứ hai (23% tổng số tiền đề xuất giảm) và cũng là nhóm có số địa phương xin điều chuyển nhiều nhất.

Ngược lại, một số địa phương xin điều chỉnh tăng kế hoạch vốn vay lại là do có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm 2023 nên cần bổ sung kế hoạch vốn để giải ngân; các tỉnh xin bổ sung kế hoạch vốn để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.

Để hạn chế tình trạng xin điều chỉnh dự toán vay lại trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp, đặc biệt là các dự án đang khó khăn, vướng mắc, các dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, kiên quyết loại bỏ các dự án không có khả năng giải ngân.

Đối với các dự án có năm kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng cần đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch để đề xuất số vốn giao kế hoạch vốn phù hợp do các dự án này chiếm tỷ lệ trả kế hoạch vốn khá cao. Các địa phương cần nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị dự án để đảm bảo các dự án khi đã được cấp phép có thể triển khai đúng kế hoạch đề ra.

Bộ Tài chính cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh nghiêm túc rà soát lại cách thức lập kế hoạch vốn để đảm bảo hiệu quả, phù hợp, bởi Thành phố là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất, chiếm 50% tổng số kế hoạch vốn trả lại.

Bộ Tài chính đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiêm túc rút kinh nghiệm về rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn, nắm rõ khó khăn, vướng mắc và tình hình triển khai của các dự án để đảm bảo nhất quán, phù hợp trong việc xây dựng và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn.

Đối với các Bộ tổng hợp, Bộ Tài chính đề xuất hạn chế việc giao kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài nguồn nước ngoài để tránh tình trạng thiếu kế hoạch vốn vay lại. Đồng thời, các Bộ thận trọng hơn trong việc giao kế hoạch vốn với các dự án mới chưa ký hiệp định vay, tránh việc đề xuất kế hoạch vốn cao hơn khả năng./.

Cùng chuyên mục
Hạn chế tình trạng địa phương xin điều chỉnh dự toán vay lại