Bộ Công Thương cần tạo thêm nhiều thành tựu quan trọng cho phát triển đất nước

(BKTO) - Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

hn.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị. Ảnh: BCT

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Kết quả, giá trị gia tăng ngành công nghiệp cả năm ước tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.

Tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

pt.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: BCT

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Cùng với đó, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, trong khi mục tiêu đề ra là tăng 8-9%.

Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Đối với thị trường xăng dầu, công tác điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành Công Thương vẫn còn một số hạn chế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới bắt đầu phục hồi từ cuối quý III trở lại đây. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2023; ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Công Thương với các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước.

qc.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BCT

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đã đạt được sau một năm nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vừa giải quyết những vấn đề nội tại, vừa tạo ra những bước đột phá và phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.

Theo Phó Thủ tướng, ngành Công Thương đang đi đầu với hai trụ cột công nghiệp và thương mại để đổi mới và phát triển đất nước. Ngành Công Thương có những đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện trên các mặt: hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần thẳng thắn nhận diện những khó khăn, thách thức, những tồn tại, bất cập để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, tạo thêm những thành tựu quan trọng cho phát triển đất nước theo hướng đổi mới, hội nhập, tự lực, tự cường.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ngành Công Thương sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cùng chuyên mục
Bộ Công Thương cần tạo thêm nhiều thành tựu quan trọng cho phát triển đất nước