Hạn hán nghiêm trọng gây áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu

(BKTO)- Hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu, trải dài từ Trung Quốc, EU sang Mỹ đang tiếp tục làm rối loạn chuỗi cung ứng và đẩy giá lương thực, năng lượng lên cao.



                
   

Hạn hán khiến những cánh đồng ngô tại Mỹ khô héo - Nguồn:istockphoto

   

Hạn hán "tấn công" một loạt nền kinh tế lớn

Những hình ảnh cây trồng khô héo tại Vành đai nông nghiệp của Mỹ, lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, những con sông cạn đáy ở EU, hay lượng nước mưa giảm sút tại Ấn Độ đang làm dấy lên mối lo ngại về nạn đói toàn cầu. Các nhà khoa học khí hậu cho biết những đợt khô hạn trong năm nay một phần là do hiện tượng La Nina, khiến nhiều khu vực của châu Âu, Mỹ và châu Á mưa ít hơn. Liên hợp quốc cho biết số đợt hạn trên toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 vì suy thoái đất và biến đổi khí hậu.

Hồi chuông cảnh báo mới nhất về tác động của hạn hán phát ra từ vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi những cánh đồng ngô khô héo đến nỗi không thể trổ bắp, còn cây đậu tương thì lép hạt. Báo cáo ảm đạm từ Tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour sau khi khảo sát các nông trại ở Mỹ vào tuần trước đã khiến giá ngũ cốc quay trở lại mức cao nhất kể từ tháng 6.

Nước Mỹ đang hứng chịu trận hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 1.200 năm qua - theo một nghiên cứu của Ðại học California.Sau chuyến khảo sát vụ mùa gần đây, các quan chức ước tính sản lượng của Mỹ sẽ thấp hơn 4% so với dự báo chính thức của chính phủ. Còn nông dân Mỹ cho thấy 75% nhận định khô hạn năm nay đang hủy hoại vụ mùa của họ, gây ra tổn thất lớn về thu nhập. Giới chức quận Westlands Water, khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của bang California, cho biết khoảng 1/3 trong số 240.000 héc-ta đất nông nghiệp ở đó bị bỏ hoang trong năm nay vì thiếu nước.

Triển vọng nông nghiệp toàn cầu năm 2023 đang khiến các nhà theo dõi thị trường lo lắng. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina kéo dài. Hình thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán trên khắp nước Mỹ, cũng như gây khô hạn các vùng trồng trọt quan trọng của Brazil và Argentina.

Còn tại Trung Quốc, trận hạn hán lịch sử đang diễn ra đã ảnh hưởng đến ít nhất 2,46 triệu người và 2,2 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Tứ Xuyên, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy và Trùng Khánh. Theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc, hơn 780.000 người cần sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ vì hạn hán.Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhận định, tình trạng nhiệt độ cao và hạn hán đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thu hoạch lương thực vụ Thu ở miền Nam đất nước.

Diện tích trồng lúa của Ấn Độ cũng đã giảm 8% trong vụ mùa này vì thiếu mưa ở một số khu vực. Vốn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% thị trường toàn cầu, New Delhi đang thảo luận về việc hạn chế xuất khẩu gạo tấm - loại gạo chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc sản xuất ethanol - để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu Âu (EU), khu vực này cũng đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Cây trồng ở EU đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với dự báo năng suất ngô thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm.Trong khi triển vọng xuất khẩu của Ukraine, nhà sản xuất ngô và dầu thực vật lớn hàng đầu thế giới, vẫn khó đoán định vì tình hình xung đột.

Nỗi lo an ninh lương thực
                
   

Sông Loire ở Ancenis-Saint-Gereon, miền tây nước Pháp đã cạn khô - Nguồn:VCG

   

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 24/8 mới đây đã cảnh báo số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi lên 345 triệu người kể từ năm 2019, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột và biến đổi khí hậu.

Theo hãng tin Reuters, Giám đốc khu vực của WFP - bà Corinne Fleischer, cho biết: “Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có 135 triệu người rơi vào nghèo đói trên toàn cầu. Chỉ trong 3 năm sau đó, con số này đã gia tăng và dự kiến tiếp tục tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột.”

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, khu vực các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với tình trạng giá tăng vọt đối với các loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, mỡ động vật, dầu thực vật và hạt có dầu; trong khi ở các khu vực phát triển, giá tăng chủ yếu ở các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trái cây, rau quả, thịt cá và đồ uống.Dự báo của FAO cho thấy, chỉ riêng trong năm 2022, hơn 18 triệu người có khả năng bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp bởi các đợt khô hạn cục bộ, mất mùa cùng các nguyên nhân khác như xung đột, khủng hoảng kinh tế. Bất ổn kéo dài ở Ukraine càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo thống kê, trong khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đã hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục được thấy vào đầu năm nay, giá kỳ hạn vẫn biến động mạnh. Những bất ngờ về thời tiết xấu từ nay cho đến khi kết thúc vụ mùa thu có thể khiến giá tăng vọt trở lại. Chỉ số ngũ cốc và đậu tương đang giao dịch cao hơn gần 40% so với mức trung bình 5 năm và chi phí trồng trọt tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu.
Nam Sơn (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Hạn hán nghiêm trọng gây áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu