Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết hợp tác bảo đảm ổn định tài chính

(BKTO) - Ngày 25/6, các Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng” về sự mất giá mạnh của đồng yen và đồng won, đồng thời cam kết sẽ phản ứng nhanh chóng bằng các biện pháp chính sách thích hợp nhằm chống lại biến động quá mức của tỷ giá hối đoái.

nhat-ban-han-quoc(1).jpg
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki (trái) và Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok - Nguồn: Sưu tầm

Cam kết “phản ứng nhanh” trong các hành động chính sách

Trong tuyên bố chung sau vòng đối thoại song phương lần thứ 9, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki và người đồng cấp Hàn Quốc Choi Sang Mok nhấn mạnh sự biến động ngày càng tăng trên thị trường tiền tệ đang gây bất ổn đối với nền kinh tế hai nước.

Hai bộ trưởng cam kết tiếp tục “phản ứng nhanh” trong các hành động chính sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính trong bối cảnh hai nước đang đối mặt với những thách thức chung như các cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng đồng ý "tiếp tục thực hiện các hành động thích hợp chống lại sự biến động quá mức về tỷ giá hối đoái."

Thị trường tài chính đang lo lắng về việc liệu Chính phủ Nhật Bản có quyết định can thiệp lại vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng yen so với USD hay không, sau khi đã chi khoảng 9.790 tỷ yen (61 tỷ USD) từ tháng Tư đến tháng Năm.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Suzuki cho biết: “Điều rất quan trọng là chúng tôi đã chia sẻ mối quan ngại” về đồng yen và đồng won, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ phản ứng phù hợp với những biến động tiền tệ.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng yen đã giảm khoảng 11% so với USD trong năm 2024, trong khi đồng won đã mất giá khoảng 8%. USD vẫn được các nhà đầu tư yêu thích do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và triển vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed, ngân hàng trung ương) sẽ không sớm chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất.

Năm 2023, hai nước đã sửa đổi thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm cung cấp vốn cho nhau trong trường hợp khẩn cấp. Hai Bộ trưởng đã đồng ý tiếp tục thảo luận cách thức cải thiện thỏa thuận.

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra sau vòng đàm phán năm 2023, khi mối quan hệ ngoại giao song phương “tan băng” mở đường cho cuộc đối thoại tài chính được nối lại ở cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau 7 năm.

Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng can thiệp

yen-nhat.jpg
Nhật Bản sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp ứng phó với những biến động của đồng yen - Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết Nhật Bản sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp ứng phó với những biến động của đồng yen, trong bối cảnh đồng tiền này đang gần chạm mốc tỷ giá 160 yen đổi 1 USD. Trước đây, khi tỷ giá chạm mức này, Chính phủ Nhật Bản từng có biện pháp can thiệp nhằm kiềm chế đà giảm giá của đồng nội tệ.

Theo ông Kanda, việc đồng yen biến động nhanh sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khi mà thị trường trở nên thận trong hơn trước khả năng sẽ diễn ra một đợt mua vào đồng yen, bán ra đồng USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện đang theo dõi sát sao những tác động đối với tình hình lạm phát khi đồng yen giảm giá mạnh. Một số quan chức cấp cao của BOJ cho rằng ngân hàng này cần phải xem xét tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát có khả năng gia tăng.

Tuần trước, Mỹ đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách các quốc gia cần theo dõi về động thái thao túng tiền tệ. Tuy nhiên các quan chức Nhật Bản cho rằng điều này không đồng nghĩa Washington nhận thấy chính sách ngoại hối của Tokyo có vấn đề.

Trong thời gian gần đây, giá đồng yen vẫn duy trì ở mức thấp dù BOJ đã siết lại chính sách kích thích tiền tệ, theo đó lần đầu tiên tăng lãi suất sau 17 năm vào tháng 3 vừa qua và mới đây quyết định sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu chính phủ. Theo các nhà phân tích, điều này có thể thúc đẩy việc mua vào đồng yen.

Giới chức Nhật Bản chưa đề cập các mức cụ thể định giá đồng yen, nhưng theo ông Kanda, các động thái tiền tệ cần ổn định, phản ánh nền tảng của nền kinh tế.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 7 tùy thuộc tình hình kinh tế sắp tới, cho rằng lạm phát đã trở nên nhạy cảm hơn với các dao động ngoại hối.

Trên thực tế, Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng và nguyên liệu thô của nước ngoài, tình trạng trượt giá của đồng yen sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu các mặt hàng trên. Hiện nay, người tiêu dùng Nhật Bản đang chật vật ứng phó với việc giá cả hàng hóa tăng cao. Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ thông qua việc giảm gánh nặng thanh toán dịch vụ điện, nước, gas và trợ cấp bằng tiền mặt.

Với những nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế lớn châu Á này hy vọng sẽ vượt qua được giai đoạn biến động tiền tệ hiện nay, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì niềm tin của thị trường tài chính toàn cầu.

Cùng chuyên mục
Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết hợp tác bảo đảm ổn định tài chính