Mỹ đưa Nhật Bản vào "danh sách giám sát" hoạt động tiền tệ

(BKTO) - Mỹ đã bổ sung Nhật Bản vào "danh sách giám sát" các đối tác thương mại lớn có hoạt động tiền tệ "đáng được chú ý" vào ngày 20/6

yen-nhat(1).jpg
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 62 tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ không trượt giá quá sâu - Ảnh minh họa

Mỹ đã bổ sung Nhật Bản vào "danh sách giám sát" các đối tác thương mại lớn có hoạt động tiền tệ "đáng được chú ý" vào ngày 20/6, đồng thời tái khẳng định rằng không đối tác nào bị gắn nhãn là nước thao túng tiền tệ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm dữ liệu kinh tế từ 20 đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong bốn quý tính đến tháng 12/2023. Báo cáo tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại hối một chiều, kéo dài.

Hai tiêu chí đầu gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhật Bản có hai trong số ba tiêu chí vượt ngưỡng cần thiết để phía Mỹ có thể tiến hành phân tích sâu hơn. Đó là có thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ. Nhưng Nhật Bản không được coi là đã vượt tiêu chí thứ ba: tiến hành sự can thiệp một chiều, kéo dài vào thị trường ngoại hối.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngoài Nhật Bản còn có một số nước khác nằm trong danh sách giám sát, nhưng không có nước nào vượt ngưỡng cả ba tiêu chí.

Sau thông tin trên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm 21/6 cho biết nước này sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ và các quốc gia khác về chính sách tiền tệ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Suzuki cho biết quyết định trên không có nghĩa phía Mỹ coi chính sách tiền tệ của Nhật Bản là "có vấn đề". Vì hoạt động đánh giá được đưa ra một cách tự động bằng cách tính đến các yếu tố như thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4-5/2024 lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022, trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng mất giá nhanh chóng của đồng yen so với đồng USD.

Đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm từ khoảng 115 yen/USD trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022 xuống gần 160 yen/USD như hiện tại. Điều này cũng một phần là do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lãi suất cực thấp trong khi các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay ở các thị trường lớn, việc can thiệp chỉ nên dành cho những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn thích hợp trước đó. Theo đánh giá của Bộ này, phía Nhật Bản đã minh bạch trong hoạt động ngoại hối, thường xuyên công bố các biện pháp can thiệp ngoại hối mỗi tháng.

Theo số liệu chính thức do phía Nhật Bản đưa ra vào cuối tháng trước, chính phủ nước này đã chi khoảng 62 tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ không trượt giá quá sâu so với đồng USD.

Cùng chuyên mục
Mỹ đưa Nhật Bản vào "danh sách giám sát" hoạt động tiền tệ