Nhu cầu hàng hóa dịp Tết được đáp ứng đầy đủ. Ảnh: VGP |
Để có được sự ổn định này, ngay từ cuối năm 2021, các hoạt động sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã diễn ra nhộn nhịp. Các DN, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, mẫu mã phong phú, chủng loại đa dạng, đồng thời tổ chức lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân nên giá cả hàng hóa không biến động lớn.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đã có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng với đó, Bộ đã yêu cầu các địa phương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để chủ động có phương án, biện pháp cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành theo dõi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân; bảo đảm kết nối các DN phân phối và nhà cung cấp, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho các địa bàn phải thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh; áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử…) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội nên người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu, sức mua chủ yếu tập trung cao sau ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp âm lịch) và trong những ngày cận Tết. Tết Nguyên đán năm nay người dân có đủ thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết với 3 ngày nghỉ sát Tết.
Đồng thời, tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm trong dịp Tết đã không còn nhiều nên việc mua sắm không tập trung vào cùng một thời điểm, không gây khan hiếm hàng hóa cục bộ và “sốt” giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.
Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các chương trình hội chợ Xuân, chợ hoa không được tổ chức tập trung. Các điểm bán hàng Tết chủ yếu do các thương nhân tự thực hiện phân tán ở nhiều nơi.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn là địa điểm thu hút người tiêu dùng do bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa bình ổn và thực hiện đầy đủ yêu cầu phòng dịch bệnh tại nơi phân phối, đồng thời đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Nhiều siêu thị mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ cao điểm mua sắm Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường được đầy đủ, kịp thời. Trải qua hai năm ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, việc phân phối hàng hóa của DN và mua sắm của người tiêu dùng có nhiều chuyển biến. Mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá cả giữa các nhà cung cấp và mua hàng được từ những nơi cách xa địa lý.
Trong những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 Tết. Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: Aeon Mall, hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers.
Từ ngày mùng 2 Tết, một số siêu thị như Big C, Co.opmart đã mở cửa trở lại. Từ mùng 5 và mùng 6 Tết, hoạt động mua bán có xu hướng trở về bình thường trên cả nước./.
QUỲNH ANH