Hàng không cần đồng hành với du lịch để vượt qua khủng hoảng

(BKTO) - Từ năm 2019 trở về trước, hàng không là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã khiến ngành này bị ảnh hưởng nặng nề. Để vượt qua khó khăn, các DN hàng không cần có giải pháp thích hợp, trong đó, việc thúc đẩy mở rộng các điểm đến du lịch nội địa là một trong những giải pháp tất yếu và quan trọng trong thời điểm hiện nay.




Để “hồi sinh”, ngành hàng không cần kích thích du lịch nội địa. Ảnh: V.Hoàng

Hai kịch bản phát triểnngành hàng không

Từ năm 1995 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành hàng không Việt Nam luôn ở mức cao. Trong đó, luân chuyển hành khách tăng bình quân 13%/năm và luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 12%/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2020, số chuyến bay thương mại của Việt Nam chỉ bằng 66% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính riêng từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020, số các chuyến bay thương mại ở Việt Nam chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Ở những tháng dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ này chỉ bằng 13% vào tháng 4/2020 hoặc 28% vào tháng 9/2020.

Đánh giá tác động tiêu cực của dịch rất rõ nét, đại diện các hãng hàng không thừa nhận thị trường sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm dù không bay nhưng vẫn trang trải chi phí cố định như thuê mua, bảo dưỡng tàu bay... nên lỗ nặng nề. Đại diện Vietnam Airlines cho hay, doanh thu của Hãng giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airway Nguyễn Khắc Hải cho biết, đại dịch xảy ra, đội tàu bay phải ngừng hoạt động 80 - 90%, số lượng chuyến bay sụt giảm. Ngoài việc mất thêm các chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch... doanh thu của Hãng cũng giảm mạnh do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá nội địa cũng như quốc tế ít hơn.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V, tức là sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Còn kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình chữ U, quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 - 5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 - 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo, hàng không Việt Nam sẽ theo kịch bản thứ nhất, đó là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V. Cục Hàng không Việt Nam hiện đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ồ ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Cũng theo ông Hảo, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019 và dự báo năm 2020, hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD.

Đồng hành cùng du lịch

Thời gian qua, Chính phủ cũng rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không, đã có những chính sách hỗ trợ để các DN vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại như: can thiệp giúp ngành hàng không thích ứng với tình hình mới, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ trực tiếp các DN trong ngành, đặc biệt là các hãng hàng không. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN hàng không cần phải có những giải pháp tích hợp để vượt qua khó khăn. Trong đó, việc thúc đẩy mở rộng các điểm đến du lịch nội địa là một trong những giải pháp tất yếu và quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, để “hồi sinh” ngành hàng không cần kích thích du lịch đồng hành, bởi khách du lịch thực sự là đối tượng phục vụ đông đảo của ngành hàng không, quyết định mở mới hoặc duy trì các đường bay đã có. Thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng và các hãng có thể tìm cách để phát triển, vì vậy, cùng với việc đưa ra các chương trình ưu đãi, các DN, địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời triển khai nhanh các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ hành khách. Ngoài ra, các hãng hàng không cần có chiến dịch marketing tác động vào khách hàng nội địa, sử dụng truyền thông, mạng xã hội để quảng cáo. Trong đó tập trung vào đối tượng khách trẻ nội địa đã đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu do thời gian giãn cách xã hội thông qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt; đồng thời, xây dựng và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông giai đoạn phục hồi thông qua chương trình hỗ trợ ưu đãi và cam kết đặc biệt đối với khách ở thời điểm hậu Covid-19… Có như vậy hàng không cũng như du lịch mới có thể nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho rằng, yêu cầu cấp bách của ngành hàng không hiện nay là duy trì hoạt động nên cần đẩy mạnh việc kích cầu du lịch để tăng cầu cho dịch vụ vận chuyển hàng. Tuy nhiên, việc thúc đẩy du lịch trong nước cũng cần gắn với các biện pháp kiểm soát khách du lịch, tránh tình trạng không khai báo dịch bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm và lan dịch bệnh ra cộng đồng. “Ở phạm vi rộng hơn, đồng hành với du lịch bao hàm các chính sách kích cầu kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế để tăng cầu đối với dịch vụ vận chuyển hàng không. Nó không chỉ giúp ngành hàng không phát triển vững chắc trở lại mà còn phát huy tác động tích cực tới nhiều khía cạnh khác” - ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Hàng không cần đồng hành với du lịch để vượt qua khủng hoảng