Tuy được đánh giá còn nhiều cơ hội phát triển nhưng ngành dược cũng gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhưng cũng có doanh nghiệp giảm lợi nhuận
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành dược phẩm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Vietnam Report vừa tiến hành tháng 10/2020 cho thấy, so với các ngành khác thì dược phẩm là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất do đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân. Cụ thể, 64,3% DN dược phản hồi khảo sát cho biết DN bị tác động nghiêm trọng vừa phải; 28,6% DN đánh giá tác động ít, không đáng kể và chỉ có 7,1% DN đánh giá bị tác động nghiêm trọng.
Sự bùng phát của đại dịch khiến cho nhu cầu về dược phẩm tăng đột biến, nhất là với các dòng thuốc tăng cường sức đề kháng. Các bệnh viện và khách hàng cá nhân đều có nhu cầu tích trữ thuốc để phòng dịch. Đối với các DN thuộc ngành vật tư y tế, việc sản xuất, cung cấp các trang thiết bị y tế, các dụng cụ bảo hộ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã góp phần tăng doanh thu đáng kể cho các DN này, thậm chí có những DN doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, không phải DN ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi mà tình hình kinh doanh của các DN dược tương đối phân hóa trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh những DN lãi lớn, tăng trưởng mạnh, ngành dược cũng ghi nhận nhiều DN bị sụt giảm lợi nhuận, trong đó có DN ghi nhận lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mặc dù tình hình đã được cải thiện sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh song theo đánh giá của nhiều DN, mức phục hồi vẫn chưa đạt như trước khi có đại dịch. Điều này minh chứng qua kết quả kinh doanh của các công ty dược nội địa hầu như không tăng trưởng trong 9 tháng. Theo tổng hợp của Vietstock, trong quý III/2020, 18 DN dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạo ra gần 8.796 tỷ đồng doanh thu thuần và 530 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 4,9% và tăng 7,6% so cùng kỳ.
Nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp
Kết quả khảo sát cũng cho thấy những khó khăn hàng đầu của DN dược trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, 78,6% DN gặp khó khăn khi nhu cầu người sử dụng sản phẩm dược thay đổi; 57,1% DN khó khăn khi tiếp cận khách hàng mới, đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh, giá hàng hóa đầu vào tăng và 35,7% DN khó khăn với sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành.
Nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80 - 90% nhu cầu ở Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất, lần lượt chiếm 63,7% và 16,7% tỷ trọng nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu năm 2019. Dịch bệnh hầu như đã cắt đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành dược trong 6 tháng đầu năm vì Trung Quốc và Ấn Độ - 2 công xưởng cung cấp nguyên liệu dược lớn nhất thế giới - bị gián đoạn với số người nhiễm Covid rất cao. Việc khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Thêm vào đó, Chính phủ yêu cầu kê khai thông tin người đến mua thuốc ho, hạ sốt, các sản phẩm khẩu trang và cồn sát khuẩn không được tăng giá cùng giãn cách toàn xã hội đã làm cho kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với kênh ETC (kênh đấu thầu trong bệnh viện), việc siết chặt để đảm bảo không có lây nhiễm trong bệnh viện kéo theo số bệnh nhân tới khám rất hạn chế, thậm chí một số nơi đã đóng cửa các khoa không cấp thiết nên kênh phân phối này hầu như bị khóa chặt.
Nhu cầu của người sử dụng sản phẩm dược thay đổi, giảm lượng cầu ở các kênh bệnh viện, các sản phẩm thuốc chưa thiết yếu, tăng nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh. Sự thay đổi đã gây những khó khăn nhất định với các DN dược, bởi trên thực tế, thị phần các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch thuộc về sản phẩm nước ngoài, số lượng DN Việt Nam có khả năng sản xuất đã giảm từ hơn 4.190 DN xuống còn 300 DN sau khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 7/2019. Trong khi đó, khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các DN dược phẩm. Thị phần các sản phẩm này còn gặp sự cạnh tranh của hơn 100 DN sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân…
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, một tín hiệu đáng mừng là xã hội đã có cái nhìn tích cực về ngành y tế nói chung và ngành dược Việt Nam nói riêng. Thuốc và trang thiết bị y tế của Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt như: Mỹ, Đức, Nhật… Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều DN đã tận dụng, khai thác để biến nguy thành những cơ hội. Có những DN trước đây nửa năm chưa ra sản phẩm mới, nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã nhanh chóng đưa ra sản phẩm tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn để chống dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia và DN được khảo sát đều đánh giá, triển vọng tăng trưởng của ngành dược trong giai đoạn 2020-2021 sẽ rất khó đột phá. 35,7% chuyên gia và DN cho rằng ngành dược sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% lựa chọn tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 7,1% đánh giá tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều.
PHÚC KHANG