Chiều ngày 20/9, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại các khu dân cư tại 2 khu vực: Xóm Rài, xã Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn) và xóm Rằng, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc).
Cụ thể, tại xóm Rài, xã Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn) sau hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua với nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún kéo dài khoảng từ 1-3 m, sâu từ 2-3 m.
Ngoài ra, còn nhiều vết nứt nhỏ, phạm vi ảnh hưởng khoảng 7ha. Sụt lún đã làm ảnh hưởng 111 hộ, với 539 nhân khẩu; trong đó đã phải di chuyển khẩn cấp 60 hộ dân với 278 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Nhiều hộ đã bị nứt nhà, sụt lún móng nhà, hư hỏng nhà. Ước tính lượng đất đá nếu sạt xuống khoảng từ 7-8 triệu m3.
Đến thời điểm hiện tại, các điểm nứt, sụt lún vẫn đang tiếp tục phát triển rộng thêm và có nguy cơ sạt trượt trên diện rộng; đặc biệt khi có mưa, đất bão hòa.
Ngoài ra, nhiều điểm đất nhão thành bùn, lún và tạo thành hốc sâu khoảng 1-3m, nhiều diện tích rừng trồng và cây cối của nhân dân gãy đổ do mất kết dính.
Tại xóm Rằng, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) do ảnh hưởng mưa lớn có xuất hiện vết nứt và tiếng nổ lớn tại đồi Ao Ếch phía sau xóm Rằng, có nguy cơ rất cao sạt trượt xuống khu vực cụm dân cư.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã vận động 14 hộ dân với 61 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao di dời đến nơi an toàn.
Ngày 13/9, khu vực xóm Rằng tiếp tục xuất hiện các vết nứt và sụt lún dạng bậc thang, tại điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200m và xuất hiện cung trượt dài khoảng 500m với khối lượng đất, đá sạt trượt rất lớn.
Chính quyền địa phương đã cho di dời 30 hộ với 126 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trước tình hình trên, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở bố trí cho học sinh cấp Tiểu học xóm Rằng học tại điểm trường Sơn Phú; cấp mầm non học tại điểm trường xóm Sèo.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo UBND các huyện Lạc Sơn và Đà Bắc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở ổn định chỗ ở tại nơi di dời, hỗ trợ người dân đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu.
Các lực lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở, căng dây cắm biển cảnh báo, kiên quyết không cho người dân quay về nơi ở cũ khi chưa đảm bảo an toàn.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục các biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nêu trên; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện kịp thời ứng phó khi có tình huống phát sinh xảy ra.
Các địa phương rà soát, đề xuất phương án di dân tái định cư, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ để khẩn trương thực hiện hoàn thành trong năm 2024, trường hợp vượt khả năng kinh phí của địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính để nghiên cứu bố trí
Rà soát các vị trí xác định khu tái định cư phù hợp với 4 Quy hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, phương án sử dụng đất, tài nguyên, phương án giải phóng mặt bằng tái định cư (nếu có); vị trí khu vực bố trí tái định cư phải đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho người dân; trường hợp cần ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Bùi Văn Phụng - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Sơn (áo xanh, đi đầu) - cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lạc Sơn cho biết, từ ngày 20/9, trên địa bàn đã xuất hiện mưa trở lại, khiến cho tình hình sạt lở có diễn biến phức tạp với nguy cơ ngày càng gia tăng.
Hiện tại, các địa phương trong huyện, đặc biệt là xã Tuân Đạo được chỉ đạo phải tăng cường kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
“Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời có phương án hỗ trợ di dời các hộ dân còn lại trong vùng ảnh hưởng, nếu phát hiện nguy cơ sạt lở” - ông Phụng cho biết.