Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”, do KTNN và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức ngày 19/7/2018.
Dấu hiệu chuyển giá DN nội đã rõ ràng
Thông tin tại hội thảo cho biết, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế, trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.
Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm, “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ, thì hiện nay đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp (DN) FDI, mà còn xảy ra ở cả các DN trong nước (chuyển giá nội địa). Chuyển giá không những là một hình thức thất thu NSNN lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Theo ý kiến của các diễn giả, Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực xây dựng, ban hành nhiều chủ trương và chính sách, nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu NSNN, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các DN. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín được hết lỗ hổng; đồng thời việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” -Ảnh: DT
Trong bài tham luận phát tại hộithảo của TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết, kết hợp với các thông tin báo chí trong thời gian qua cho thấy, nhiều hoạt động chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, việc có đủ bằng chứng chứng minh việc chuyển giá là hết sức phức tạp, liên quan tới nhiều bên, nên hầu như tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào bị phạt vì hành vi này.
Điển hình tại một số địa phương có nhiều DN FDI kê khai lỗ như: Bình Dương - số DN FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN, chiếm 50,6%, trong đó có 20 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu; TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai thì tỷ lệ DN FDI lỗ lần lượt là 60% và 52,2%. “Một số tên tuổi lớn “dính nghi án” chuyển giá tại Việt Nam như Coca Cola, Pepsi… và gần đây nhất là Keangnam Vina đã buộc phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng”, TS. Vũ Mạnh Cường nêu.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hồ Đức Phớc - Tổng KTNN cho rằng, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho NSNN, trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá.
“Không chỉ các DN FDI mà đến nay có cả nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco”, Tổng KTNN nhấn mạnh.
Quá khó để kiểm soát vì dữ liệu thiếu và không liên thông
Cũng trong buổi hội thảo, ông Phan Vũ Hoàng - Chủ tịch Ủy ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam), với trọng tâm là hạn chế các hành vi chuyển giá có tác động tiêu cực tới nguồn thu ngân sách.
Theo ông Hoàng, các công ty đa quốc gia sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tính tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư. Điều này đòi hỏi công sức và thời gian đầu tư lớn, cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao.
Mặt khác, chương trình hành động BEPS cũng đem lại những lợi ích về lâu về dài, làm tăng sự chuyên nghiệp và minh bạch của cơ quan thuế của các quốc gia khi xử lý giao dịch, vì họ cũng phải tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, việc xử lý tình trạng chuyển giá đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về hành lang pháp lý mà còn cả sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đặc biệt là việc thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu để phát hiện và xử lý các hành vi gian lận chuyển giá.
PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, trong kiểm toán gian lận chuyển giá, KTNN cần quan tâm đặc biệt đến việc xem xét và đánh giá môi trường kiểm toán. Kiểm toán viên phải hiểu biết về hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, cần đánh giá để xác định mức độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ, từ đó xác định hợp lý phạm vi và nội dung kiểm toán chuyển giá,...
Còn ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, thể chế hóa các quy định hiện hành một cách cụ thể hơn để các cơ quan liên quan nói chung, bao gồm cả KTNN có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chống chuyển giá.
Đồng thời, KTNN nên xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện kiểm toán về chuyển giá để vừa góp phần tăng cường kiểm soát về thuế vừa để bảo vệ được vốn góp của Nhà nước tại các DN liên doanh góp vốn.
PGS,TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá; đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế.
Theo ông Lê Xuân Trường, có hai việc quan trọng cần làm để hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế là: Mở rộng nguồn thu thập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế, đặc biệt là của bộ phận chuyên trách về thanh tra giá chuyển nhượng; đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo DUY THÁI
thoibaotaichinhvietnam.vn