Hết năm 2023, phải cơ bản phê duyệt xong phương án xử lý nhà, đất

(BKTO) - Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

nha.jpg
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Ảnh minh họa.

Tại Công văn, Bộ Tài chính đề nghị chậm nhất ngày 31/5/2023, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát tất cả cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý. Kết quả rà soát gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2023.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý (nếu còn các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại nhưng chưa được phê duyệt phương án xử lý), xác định cụ thể tiến độ (thời gian) thực hiện từng khâu (lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án; tổng hợp báo cáo kê khai và phương án đề xuất; kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; lấy ý kiến của các cơ quan, địa phương có liên quan; lập phương án xử lý; phê duyệt phương án xử lý...) và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan.

Hằng quý, trước ngày 5 tháng đầu của quý sau, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện các công việc nêu tại Công văn này gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Căn cứ kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ban hành, thủ trưởng các cơ quan chức năng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng nhà, đất và cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Các bộ, ngành, địa phương còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý, Bộ Tài chính đề nghị tổ chức các đoàn công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, có ý kiến về phương án xử lý nhà, đất, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn theo quy định.

Đồng thời, kịp thời cung cấp các thông tin về quy hoạch và các thông tin khác thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương để phục vụ việc lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý nhà, đất.

Về việc xử lý các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích (sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê) hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc.

Trên cơ sở đó, kiến nghị và liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc mất hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc nhà, đất.

Các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích và các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn.

Đối với các cơ sở nhà, đất thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.

Để bảo đảm việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đúng quy định, kịp thời đưa nhà, đất vào sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm và tạo nguồn thu cho NSNN, tránh để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa, đề nghị các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Tại Công văn, Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2017, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC, khoán kinh phí sử dụng TSC, các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý, các quy định về quản lý, sử dụng TSC là nhà, đất...

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi gửi Bộ Tài chính; kịp thời tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành./.

Cùng chuyên mục
Hết năm 2023, phải cơ bản phê duyệt xong phương án xử lý nhà, đất