Hiệu quả đột phá từ hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế

(BKTO) - Trong bối cảnh số lượt khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng, nhân lực làm công tác giám định còn mỏng, việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT đã trở thành công cụ hữu hiệu để ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện giám định và quản lý chi phí KCB BHYT hiệu quả.



                
   

Ứng dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT giúp kiểm soát chi phí KCB BHYT hiệu quả hơn - Ảnh: ST

   

Tự động hóa các quy trình nghiệp vụ

Theo đại diện Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), từ tháng 3/2017, Trung tâm được giao nhiệm vụ quản lý vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, tổng hợp, phân tích dữ liệu, kiểm tra, chỉ đạo BHXH các tỉnh giám định điện tử; thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong KCB BHYT.

Thời điểm đó, cả nước có khoảng trên 150 triệu lượt KCB BHYT và tăng dần theo mỗi năm trong khi nhân lực làm công tác giám định của toàn Ngành BHXH Việt Nam chỉ gần 2.900 người. Vì vậy, Trung tâm xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, thực hiện liên thông quản lý dữ liệu, giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT càng trở thành nhu cầu bức thiết. Với việc ứng dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT, hầu hết các quy trình nghiệp vụ đã được tự động hoá bằng các chức năng của phần mềm, qua đó nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ giám định.

Hệ thống thông tin giám định BHYT gồm Cổng tiếp nhận và Phần mềm Giám định BHYT và phần mềm Giám sát. Theo đó, Cổng tiếp nhận là nơi trao đổi, liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, cung cấp các công cụ như tra cứu thông tin thẻ BHYT; lịch sử điều trị của bệnh nhân; gửi các danh mục sử dụng cho người bệnh và dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT từ cơ sở KCB; tiếp nhận kết quả giám định danh mục, kết quả giám định hồ sơ đề nghị thanh toán từ cơ quan BHXH; chức năng cấp chứng từ nghỉ việc hưởng BHXH để quản lý.

Phần mềm Giám định được xây dựng theo quy trình giám định BHYT với 192 chức năng thuộc 12 quy trình nghiệp vụ. Các hồ sơ đề nghị thanh toán được giám định điện tử 100% qua hơn 300 quy tắc giám định tự động phát hiện các hồ sơ trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai giá, sai so với các quy định của Bộ Y tế về KCB, thống kê thanh toán BHYT..., từ chối trực tiếp hoặc yêu cầu BHXH tỉnh thực hiện giám định chủ động trên hồ sơ bệnh án.

Phần mềm Giám sát cung cấp các chức năng theo dõi, hiện thị bằng các bản đồ, biểu đồ trực quan. Các báo cáo được tự động cập nhật hàng ngày giúp BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh có thông tin cập nhật, tổng quan, theo dõi tình hình sử dụng Quỹ BHYT, thực hiện dự toán, đánh giá mức độ gia tăng tần suất KCB, chi phí ở từng tuyến, hạng bệnh viện và từng cơ sở y tế, quản lý cung ứng và thanh toán thuốc kháng virus HIV (ARV); theo dõi sử dụng và điều tiết thuốc đấu thầu tập trung quốc gia…qua đó dễ dàng nhận định và phát hiện nhanh chóng các biến động, diễn biến giữa các kỳ, các tháng ở tất cả các cơ sở y tế.

Phần mềm còn có các chức năng cảnh báo trục lợi từ người tham gia BHYT, cơ sở y tế như KCB nhiều lần, thu dung bệnh nhân, KCB sau tử vong...; đồng thời thường xuyên cập nhật các yêu cầu kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương.

Giảm trừ hàng nghìn tỷ đồng chi phí không hợp lý

Năm 2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận dữ liệu của 168,89 triệu lượt KCB BHYT, tỷ lệ liên thông trên 95%; năm 2018 tiếp nhận dữ liệu của 176,46 triệu lượt KCB với chi phí đề nghị thanh toán trên 98.139,4 tỷ đồng, tỷ lệ liên thông đạt 98,02%; năm 2019 tiếp nhận dữ liệu của 184,52 triệu lượt KCB với chi phí đề nghị thanh toán trên 105,79 tỷ đồng, tỷ lệ liên thông đạt 98,39%.

Kết quả, năm 2017, Hệ thống ghi nhận kết quả giám định giảm trừ số chi không hợp lý trên 2.584 tỷ đồng, gấp gần 4 lần khi chưa áp dụng giám định điện tử. Năm 2018, số tiền giảm trừ là 2.268,8 tỷ đồng. Năm 2019, số tiền giảm trừ là 1.248,85 tỷ đồng.

Dữ liệu kết xuất từ Hệ thống được các đơn vị của BHXH Việt Nam chủ động khai thác, phân tích số liệu từ Hệ thống để thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán, kiểm tra, thẩm định quyết toán chi KCB BHYT.

Từ 2017 đến nay, Trung tâm đã xây dựng trên 120 chuyên đề để BHXH tỉnh tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp thanh toán sai quy định như tách, thanh toán dịch vụ nằm trong quy trình kỹ thuật, thanh toán trùng lặp, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú rộng rãi; sử dụng thuốc bổ trợ, thuốc chế phẩm y học cổ truyền quá mức cần thiết; kéo dài ngày điều trị ở một số bệnh lý điển hình; các hiện tượng khám lấy thuốc nhiều lần, sử dụng thông tin thẻ để lấy thuốc..., qua đó thu hồi 397,2 tỷ đồng.

Với các thông tin được cập nhật, công khai minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết. So với năm 2017, các chỉ tiêu chi bình quân toàn quốc năm 2018 về xét nghiệm giảm 6,44%, chẩn đoán hình ảnh giảm 4,1%, khám giảm 11,42%, ngày giường giảm 2,17%, ngày điều trị bình quân giảm 4,17%, tỷ lệ vào điều trị nội trú giảm 1,1%; năm 2019 so với năm 2018 bình quân xét nghiệm giảm 1,23%, chẩn đoán hình ảnh giảm 2,38%, thuốc giảm 0,35%, ngày điều trị bình quân giảm 7,54%, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi KCB mỗi năm.

BHXH Việt Nam khẳng định, Hệ thống thông tin giám định BHYT qua hơn ba năm hoạt động đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý Quỹ BHYT không chỉ của ngành BHXH mà cả ngành y tế đặc biệt là các cơ sở y tế, đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu “Trước năm 2018, hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm CNTT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong KCB, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng Quỹ BHYT"./.
N. KIM
Cùng chuyên mục
  • Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh: Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tối đa nguồn lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
  • Phú Thọ: Tăng cường công tác thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Trước tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có chiều hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, BHXH tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hạn chế thực trạng này; đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn về việc tăng cường công tác thu và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
  • Người “truyền lửa” đưa các chính sách bảo hiểm đến với người dân
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ chỗ chia sẻ, trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn của người dân khi ốm đau, nằm viện hay khi tuổi cao vẫn phải lo mưu sinh… chị Trần Thị Minh Thịnh – chuyên viên Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đã nỗ lực tìm mọi cách để đưa chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình đến với người dân.
  • Đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động tham gia BHXH tự nguyện ở U Minh, Cà Mau
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tính đến cuối năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn huyện U Minh chỉ đạt 243 người, chiếm 0,24% dân số của huyện. Tỷ lệ này còn rất thấp do công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn.
  • Áp dụng phương thức khám, chữa bệnh mới nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế và Quỹ Bảo hiểm xã hội” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, GS,TS. Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đề xuất việc áp dụng các phương thức khám, chữa bệnh (KCB) mới nhằm mang lại hiệu quả KCB cho người dân và sử dụng hiệu quả Quỹ KCB Bảo hiểm y tế (BHYT).
Hiệu quả đột phá từ hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế