Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia vào các chuỗi cung ứng

(BKTO) - Mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các chuỗi cung ứng không chỉ góp phần đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp mà còn tăng tính bền vững của nguồn cung. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Đây là chủ đề được tập trung trao đổi tại Tọa đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Thực trạng và giải pháp”, do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) tổ chức chiều 27/9, tại Hà Nội.

20240927_143320.jpg
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: D.T

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Từ Thu Hiền - Giám đốc WISE cho biết, việc mua sắm có trách nhiệm giới và đa dạng hóa nhà cung cấp sẽ giúp cho các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ phát triển thương hiệu và hình ảnh của công ty gắn liền với trách nhiệm xã hội, trao quyền cho phụ nữ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, việc mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các chuỗi cung ứng còn giúp các doanh nghiệp phân phối mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, tăng tính bền vững của nguồn cung, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Minh chứng cho điều này, theo một kết quả khảo sát gần đây của UN Women tại Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp cho rằng việc mua sắm có trách nhiệm giới đã giúp mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm, tăng cường đổi mới và củng cố danh tiếng của công ty. Đặc biệt, 76% doanh nghiệp cho rằng mua sắm có trách nhiệm giới còn nâng cao sự hài lòng của nhân viên, góp phần tích cực vào quản lý nhân sự và giữ chân nhân tài…

Nếu thực hiện trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP toàn cầu đạt được mức 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, mỗi năm, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD (tương đương 2 - 3% GDP toàn cầu) và tạo ra từ 288 - 433 triệu việc làm mới.

Nguồn: UN Women tại Việt Nam

Mặc dù việc mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các chuỗi cung ứng đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, theo bà Hiền, hiện nay các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Chỉ ra những nguyên nhân chính của thực trạng này, bà Hiền cho biết đó là do các khách mua ở quy mô vừa và nhỏ thường dựa trên các mối quan hệ lâu năm với nhà cung cấp cũ hoặc chỉ hợp tác với nhà cung cấp mới khi có đối tác quen giới thiệu; trong khi đó, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường thiếu các mối quan hệ, khiến họ khó tiếp cận với các chuỗi siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn.

Bên cạnh đó, các chuỗi siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn lại có nhiều yêu cầu chặt chẽ và quy trình mua sắm phức tạp, trong khi khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn hạn chế, từ đó cản trở các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng.

Chia sẻ thêm khó khăn từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lương Vũ Thiều Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Khánh Long cho biết, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và vừa còn hạn chế về năng lực và nguồn lực dành cho việc phát triển khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp thường thiếu thông tin về thị trường, thiếu các cơ hội để kết nối, xây dựng mối quan hệ, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn vốn, thiếu các chứng nhận về chất lượng sản phẩm, dịch vụ…, cũng là một rào cản phổ biến cản trở khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nên chú trọng đến việc đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm kiếm nguồn lực, đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp…

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển theo hướng xanh đang được đẩy mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần đề ra chiến lược, kế hoạch chuyển đổi mô hình, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững… Có như vậy, doanh nghiệp mới bắt kịp xu hướng chung của thị trường, đồng thời mới có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng cơ hội tham gia thành công vào các chuỗi cung ứng.

Chia sẻ thêm về một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia vào các chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Thị Kim Lan - Quản lý Chương trình Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, UN Women tại Việt Nam cho biết, UN Women tại Việt Nam và WISE đang triển khai Dự án Thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới thông qua đa dạng nhà cung cấp trong ngành dịch vụ, du lịch tại Việt Nam thuộc khuôn khổ Chương trình “WE RISE Together”.

Dự án có mục tiêu thúc đẩy đa dạng nhà cung cấp thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tiếp cận cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng ngành dịch vụ, du lịch tại Việt Nam. Dự án bao gồm các hoạt động đào tạo, tư vấn chuyên sâu để nâng cấp chất lượng, giá trị sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phù hợp với những yêu cầu khắt khe của các chuỗi nhãn hàng lớn, qua đó giúp doanh nghiệp có các sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu và kết nối thị trường được với các khách hàng tiềm năng./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia vào các chuỗi cung ứng