Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: camau.gov.vn |
Thông tin trên được Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Đức Thánh cho biết tại Họp báo để thông tin về kế hoạch hỗ trợ người dân tỉnh Cà Mau gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chiều 27/7.
Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Thánh cho biết, hiện Tỉnh đã trang bị 240 giường bệnh và 150 máy thở; hơn 1.200 giường cách ly tập trung, đã sử dụng 900 giường và đang rà soát bố trí thêm số gường cách ly; có 2 máy xét nghiệm PCR, xét nghiệm 1.000 mẫu/ngày.
Qua rà soát của Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau (Ban Liên lạc), hiện có hơn 200.000 người dân Cà Mau đang lao động, học tập và trị bệnh ngoài tỉnh, hơn 3.000 người đang có mong muốn về quê.
Để hỗ trợ người dân, tỉnh chủ trương thông qua Ban Liên lạc tiếp tục rà soát đối tượng khó khăn để tìm nguồn lực hỗ trợ, cũng như vận động bà con tiếp tục ở lại TP. HCM và các tỉnh lân cận. Mặc dù lãnh đạo Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn các phương án hỗ trợ người dân Cà Mau nhưng cơ sở vật chất y tế chưa thể đáp ứng hơn 3.000 người có nguyện vọng được về quê tránh dịch.
Lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp Ban Liên lạc rà soát các đối tượng khó khăn để hỗ trợ. Đối với những người dân đặc biệt khó khăn, Tỉnh sẽ theo dõi diễn biến dịch bệnh, điều kiện của Tỉnh và sẽ có chủ trương tiếp theo. Các kênh vận động tập trung đầu mối thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh để tránh sai sót và trùng lặp đối tượng. Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về những định hướng, chủ trương của Tỉnh để người dân Cà Mau đang lao động, học tập, sinh sống ngoài tỉnh yên tâm và chia sẻ với những khó khăn của Tỉnh.
Trưởng Ban Liên lạc - Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - cho hay, hiện Ban Liên lạc đang tích cực thu thập dữ liệu số lượng người dân Cà Mau xin cứu trợ và hỗ trợ đưa về quê. Từ ngày 17-22/7, Ban Liên lạc đã tổ chức cứu trợ gần 700 người dân Cà Mau đang sinh sống tại TP. HCM.
Đợt 2 (từ ngày 23/7 đến nay), hơn 1.800 người dân Cà Mau đăng ký xin cứu trợ. Dự kiến, đợt 3 (từ 01-10/8) sẽ cứu trợ thêm 3.000 người dân Cà Mau. Hiện nguồn lực của Ban liên lạc còn hạn chế nên sẽ tiếp tục vận động thêm. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, người dân Cà Mau sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.
“Mặc dù vậy, Tỉnh không nên đưa người dân về quê theo phong trào. Tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của địa phương và tùy từng trường hợp, nếu quá khó khăn thì nên xem xét” - ông Lắm khuyến nghị./.
HỒNG NHUNG