Các chính sách hỗ trợ đang dần phát huy hiệu quả, bước đầu cho thấy đa phần HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tham gia Đề án đã có nhiều thay đổi về mặt nhận thức, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, từng bước biết cách tiếp cận thị trường sản xuất theo hướng chất lượng và thực hiện liên kết để hạ giá thành sản xuất và ổn định đầu ra
Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay đã có 15 hợp tác xã (HTX) đáp ứng cơ bản 08 nhóm tiêu chí đầu vào và được UBND tỉnh thống nhất cho tham gia Đề án.
Thông qua Đề án, các HTX tham gia được nhà nước hỗ trợ củng cố tổ chức bộ máy, nhân sự HTX và hoàn thiện hồ sơ theo quy định Luật HTX 2012; Hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức thông qua việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và thuê lao động trẻ về việc làm tại HTX để hỗ trợ HTX trong công tác quản trị và kế toán; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, các mô hình hiệu quả, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi liên kết; Hỗ trợ liên kết, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường thông qua việc hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, bộ nhận diện, bao bì sản phẩm, phát triển sản xuất OCOP, thuê gian hàng tham gia hội chợ triển lãm, diễn đàn trong nước, thuê điểm giới thiệu bán sản phẩm của HTX.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số và tư vấn ứng dụng khoa học công nghệ; Hỗ trợ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm (nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, công trình thuỷ lợi, giao thông nội đồng, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh,…
Các HTX cũng được thông qua việc xem xét cho HTX vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và hỗ trợ 70% lãi suất vay trong hạn khi HTX vay tại các Quỹ tín dụng và các ngân hàng.
Đến nay, với những chính sách hỗ trợ, đầu tư như trên, các HTX đạt được kết quả như khả quan. Đã có 15/15 HTX đều đăng ký theo đúng Luật HTX 2012, có giấy đăng ký HTX, điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh và tổ chức Đại hội thường niên đúng quy định; 13/15 HTX có giấy chứng nhận góp vốn cho 100% thành viên góp vốn. Về trích lập quỹ: 14/15 HTX thực hiện trích lập quỹ đầu tư, phát triển; 13/15 HTX lập quỹ dự phòng tài chính; 14/15 HTX lập quỹ đầu tư, phúc lợi.
Trong công tác tổ chức sản xuất, 14/15 HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong đó 7/7 HTX lĩnh vực lúa gạo ứng dụng cơ giới hoá khâu làm đất thu hoạch phun thuốc, 70% khâu gieo sạ, bón phân; 4/4 HTX lĩnh vực trái cây ứng dụng tưới tiên tiến; 8/15 HTX sản xuất theo quy trình VietGAP và được chứng nhận; 3/15 HTX được chứng sản xuất theo quy trình GlobalGAP
Cùng với đó, trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, 15/15 HTX đầu tư hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ bằng các hình thức như cung cấp giống, vật tư và tiêu thụ, cung cấp giống, vốn và tiêu thụ, cung cấp giống vật tư và tiêu thụ,…các HTX được hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để giới thiệu bán sản phẩm của HTX, 29 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 14 sản phẩm 3 sao và 15 sản phẩm 4 sao.
Về hỗ trợ đầu tư hạ tầng: 13/15 HTX đã và đang được hỗ trợ hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi (cống, trạm bơm điện...) và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh (máy phun thuốc, máy cấy, máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy sấy,…); 13/15 HTX đã và đang được lập dự án đầu tư, triển khai xây dựng nhà xưởng, nhà kho.
Bên cạnh đó, có 07/15 HTX được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng dư nợ 8.968 triệu đồng; 05 HTX vay vốn từ các ngân hàng thương mại (Sacombank, Vietinbank, BIDV) với tổng dư nợ 12.250 triệu đồng, đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ 70% lãi suất.
Các chính sách hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy HTX phát triển, trong đó hơn 10 HTX có tổng doanh thu từ 2 tỷ đồng trở lên, nổi trội có 01 HTX đạt doanh thu trên 65 tỷ đồng/năm (HTX trái cây sinh học OCOP); Trong đó có 06/15 HTX đạt lợi nhuận trên 10%... Các HTX đã có mở rộng thêm các dịch vụ, có 15/15 HTX thực hiện từ 4 - 7 dịch vụ, 11/15 HTX có thực hiện dịch vụ phi nông nghiệp. Như vậy, số lượng dịch vụ của HTX tăng từ 1 - 3 dịch vụ so với trước khi tham gia Đề án.
Thông qua các dịch vụ của HTX thành viên HTX được thụ hưởng dịch vụ với giá ưu đãi, thấp hơn từ 5-10% so với bên ngoài, đồng thời được HTX liên kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn từ 200-1.000 đồng/kg. Từ đó, HTX đã thu hút được nhiều thành viên tham gia, so với khi tham gia Đề án.
Đến nay, 15 HTX có tổng số 1.005 thành viên, tăng 163 thành viên. Nổi trội có 2/5 HTX có số thành viên trên 120 người (HTX Nông nghiệp Cao Cường 195 thành viên, HTX Nông nghiệp Thuận Lợi 122 thành viên). Bên cạnh thành viên chính thức, HTX còn có hệ thống mạng lưới thành viên liên kết. Tổng số thành viên liên kết của 15 HTX là 1.319 thành viên, đặc biệt có 01 HTX có số thành viên liên kết hơn 480 thành viên (HTX Nông nghiệp Thuận Lợi).