Hòa Bình cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông

(BKTO) - Ngày 26/02, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

0.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hòa Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Chính phủ

Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát. Thu NSNN đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 14,2%...

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với những thành tích, kết quả phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình như xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét; thu NSNN còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi…

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trước tháng 5/2023.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.

Tỉnh cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội vừa khởi công, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình để đưa Hòa Bình về gần hơn với Hà Nội, với cảng hàng không, cảng biển…; cao tốc Hòa Bình - Sơn La với hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, đúng chuẩn cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiền năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, chú trọng phương thức đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thế mạnh.

Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Cũng tại cuộc làm việc, Hòa Bình đề xuất và lãnh đạo các Bộ, ngành đã phát biểu ý kiến về các kiến nghị thuộc 2 nhóm: Các chương trình, dự án và cơ chế, chính sách.

Làm rõ thêm về các kiến nghị này, Thủ tướng đồng ý chủ trương và đề nghị các cơ quan khẩn trương triển khai việc lập hồ sơ 2 di tích: Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh xây dựng đề án, dự án cụ thể để xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt cổ; di dời và xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh tại vị trí mới đã được quy hoạch… để cân đối, tính toán cụ thể nguồn lực Trung ương và địa phương.

Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý đề xuất của tỉnh về việc giao tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc theo hình thức PPP.

Thủ tướng cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan và EVN nghiên cứu, tính toán cơ chế, chính sách phù hợp dành cho Hòa Bình liên quan tới việc vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Trước đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ; kiểm tra công tác thi công dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình; thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố tại xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình; khảo sát dự án, tặng quà người dân tại khu nhà ở xã hội phường Quỳnh Lâm, TP. Hòa Bình; dự Lễ khởi công tuyến đường kết nối vùng Hòa Bình, Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình./.

Cùng chuyên mục
Hòa Bình cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông