Sửa đổi chính sách về đấu thầu mua sắm thuốc BHYT để bảo đảm quyền lợi của người bệnh - Ảnh: ST |
Nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến quyền lợi về thuốc của người tham gia BHYT
Theo báo cáo của Bộ Y tế, những năm gần đây, giá thuốc, giá vật tư y tế (VTYT) tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt đối với các thuốc, VTYT đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Việc thay đổi quy định thanh toán thuốc BHYT phù hợp, đạt được hiệu quả giảm giá thuốc. Năm 2018, chi thuốc khoảng 41.083 tỷ đồng chiếm 37,2% tổng chi KCB BHYT; năm 2019 chi thuốc khoảng 43.180 tỷ đồng chiếm 36% tổng chi KCB BHYT. Thuốc nhập khẩu chiếm 68% tổng chi thuốc tân dược, trong đó thuốc biệt dược gốc (BDG) chiếm tỷ lệ 31% tổng chi thuốc tân dược; thuốc chế phẩm y học cổ truyền năm 2018, 2019 chiếm 6,4% tổng chi thuốc. Vị thuốc y học cổ truyền năm 2018 là 2,2%, năm 2019 giảm xuống còn 2% tổng chi thuốc.
Tuy nhiên, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung các cấp chưa nhiều (theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT thì đấu thầu tập trung cấp quốc gia có 05 mặt hàng, đấu thầu tập trung cấp địa phương có 106 mặt hàng). Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT lớn hơn rất nhiều, do vậy nhiều cơ sở KCB phải tự tổ chức đấu thầu, gây tăng chi phí hành chính.
Trong đấu thầu và kết quả đấu thầu thuốc, VTYT, mặc dù giá thuốc, giá VTYT trong những năm gần đây đã được kiểm soát tốt hơn song vẫn còn một số nơi, một số hội đồng có kết quả đấu thầu thuốc, VTYT có giá cao bất hợp lý hoặc xây dựng nhu cầu mua sắm thuốc không sát với thực tế sử dụng dẫn đến chỉ định sử dụng bất hợp lý... Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng một số cơ sở KCB không tổ chức đấu thầu, cung ứng đủ và kịp thời thuốc, VTYT cho người bệnh để người bệnh phải tự mua. Trong khi đó, Luật BHYT không quy định cơ quan BHXH được thanh toán trực tiếp đối với các trường hợp này, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT, gây bức xúc cho người bệnh và vẫn còn thiếu chế tài xử lý trong các trường hợp này.
Chưa có quy định kiểm soát việc sử dụng thuốc biệt dược gốc (BDG) hoặc cơ chế chi trả BHYT đối với thuốc BDG. Việc quy định mua sắm thuốc BDG vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện. Trong khi đó, thuốc BDG vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong chi thuốc BHYT (31% tổng chi thuốc tân dược). Nhiều thuốc BDG hết hạn bản quyền, vẫn có giá cao gấp nhiều lần so với thuốc generic nhóm 1, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Hoàn thiện cơ chế mua sắm và chi trả thuốc BHYT
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đấu thầu thuốc, vật tư y tế (VTYT), trang thiết bị y tế đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp; quy định về phạm vi, quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT đối với thuốc, VTYT phù hợp, hiệu quả, an toàn, đáp ứng yêu cầu điều trị. Trong đó, khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc, sinh phẩm, thiết bị, VTYT trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, cấp quốc gia và đàm phán giá để giảm và duy trì ổn định giá thuốc; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc biệt dược gốc (BDG) và cơ chế chi trả BHYT đối với thuốc BDG, đặc biệt đối với các thuốc BDG đã hết hạn bản quyền, có thuốc generic nhóm 1 trên thị trường. Đồng thời, thực hiện công bố các danh mục thuốc, VTYT cập nhật, đầy đủ để hỗ trợ hoạt động đấu thầu và sử dụng, chỉ định thuốc, VTYT tế hiệu quả, an toàn; công khai giá thuốc, giá VTYT, trang thiết bị y tế trúng thầu cập nhật, đầy đủ, đặc biệt đối với thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, vị thuốc, dược liệu.
Ngoài ra, ngành y tế cũng sẽ có chế tài đối với các cơ sở KCB không đấu thầu, đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời, đầy đủ cho người bệnh, để người bệnh phải tự mua thuốc, dẫn đến quyền lợi của người bệnh BHYT chưa được đảm bảo.
KIM AN