Hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ Phát triển đất

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ Phát triển đất nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ Phát triển đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

bo-tai-chinh-dang-lay-y-kien-gop-y-du-thao-nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-to-chuc-va-hoat-dong-cua-quy-phat-trien-dat.jpg
Nghị định về Quỹ Phát triển đất được kỳ vọng sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động của Quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển đất. Ảnh minh họa

57/63 địa phương đã thành lập Quỹ Phát triển đất nhưng tổ chức và hoạt động còn vướng mắc

Bộ Tài chính cho biết, có 57/63 địa phương đã thành lập Quỹ Phát triển đất; trong đó có 27 quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Theo báo cáo của các địa phương, việc thành lập và hoạt động của Quỹ Phát triển đất góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án.

Thực tế thực hiện cho thấy, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này thì sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án/nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc ra đời của Quỹ Phát triển đất đã góp phần đáp ứng các nhu cầu nêu trên.

Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất còn vướng mắc, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Quỹ như:

Chưa rõ nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm những nguồn vốn nào; việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ được thực hiện như thế nào.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ trong trường hợp ủy thác toàn bộ cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương còn có điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn.

Thiếu cơ chế để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của bộ máy, quản lý hành chính của Quỹ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quy định về việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ Phát triển đất (nguồn hoàn trả, trình tự, thủ tục hoàn trả vốn ứng...) tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung...

4 mục đích sử dụng của Quỹ Phát triển đất

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Quỹ Phát triển đất để quy định chi tiết Điều 114 Luật Đất đai năm 2024. Khi Nghị định có hiệu lực chỉ cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định, ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao sở tài chính hoặc cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị thành lập Quỹ, trình UBND cấp tỉnh. Sau khi phê duyệt đề án, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Ông Thịnh nhấn mạnh, dự thảo Nghị định quy định Quỹ được sử dụng cho 4 mục đích: ứng vốn thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý nhằm nâng cao giá trị khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất; ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Bà Chu Nguyên Thành - Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội - cho biết, năm 2011, Hà Nội thành lập Quỹ Phát triển đất, đến năm 2017, Quỹ được ủy thác cho Quỹ Đầu tư quản lý.

Từ khi hoạt động đến nay, Quỹ đã ứng hơn 20.000 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ được giao rất hiệu quả. Như vậy, Quỹ có nhiệm vụ ứng vốn để giải quyết các vấn đề về tài chính, giúp địa phương có nguồn lực linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, sau đó sẽ hoàn trả lại cho Quỹ.

Tuy nhiên, để Quỹ hoạt động ổn định, bà Thành đề nghị sửa đổi, bổ sung điều lệ và hoạt động của quỹ do hội đồng quản lý quỹ trình UBND cấp tỉnh quyết định (trừ trường hợp thay đổi vốn điều lệ, mô hình hoạt động thì UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua).

Với mô hình ủy thác, bà Thành cũng cho rằng, có thể ủy thác cho quỹ tài chính nhà nước ở địa phương và chỉ nên quy định người được giao phụ trách là lãnh đạo UBND tỉnh, thay vì chỉ định cứng là chủ tịch UBND tỉnh để giảm bớt đầu mối, gánh nặng cho cấp trên. Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung thời điểm tính phí quản lý vốn ứng để có nguồn kinh phí cho quỹ hoạt động ngoài nguồn thu từ lãi tiền gửi.

Còn tại Hải Phòng, với đặc thù là không thành lập quỹ, nhưng cũng không thực hiện ủy thác mà thực hiện theo mô hình quỹ hỗn hợp, tức là, nhiệm vụ của quỹ được giao cho Quỹ Đầu tư.

Do đó, theo ông Hoàng Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng - dự thảo Nghị định cần làm rõ hơn về quỹ hỗ hợp để địa phương triển khai cho phù hợp. Đồng thời, ông Minh cho biết, theo Luật Đầu tư công, để bố trí kế hoạch vốn trung hạn, vốn hằng năm, phải có dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định nội dung này không được nhắc đến. “Do vậy, dự thảo cần bổ sung điều kiện, trình tự để được bố trí nguồn vốn ứng dự toán...” - ông Minh nêu ý kiến./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ Phát triển đất