
Dự thảo Luật Giám định tư pháp (thay thế) bổ sung 6 điều luật mới, gồm: công nhận và hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; quy định quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc; công nhận, hủy bỏ công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đình chỉ việc giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Đầu tư và Pháp lệnh chi phí tố tụng. Đồng thời, Dự thảo Luật lược bỏ 11 điều và 1 khoản trong Luật hiện hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Điểm mới đáng chú ý là Dự thảo Luật bổ sung quy định phân cấp rõ ràng việc tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trong công tác giám định của các Bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung yêu cầu bắt buộc đối với giám định viên tư pháp về trình độ pháp lý, nghiệp vụ chuyên môn; quy định rõ cơ chế thu phí giám định tùy theo nguồn trưng cầu (tố tụng hay dân sự); đồng thời hoàn thiện thẩm quyền công nhận và huỷ công nhận người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Trao đổi ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về quyền, trách nhiệm của người giám định tư pháp và cơ quan quản lý. Đối với lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên, trong đó có quy định về thời gian đào tạo chuyên môn, vì vậy cần nghiên cứu để thể chế hóa phù hợp trong Luật.
Cần làm rõ khái niệm “giám định tư pháp theo vụ việc” và cơ chế đánh giá khi có nhiều kết luận giám định khác nhau, giám định viên phải kết luận độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân.
Cần đánh giá rõ hơn các khó khăn, bất cập trong hoạt động giám định, nhất là những yếu tố có thể dẫn đến vi phạm của giám định viên.
Cần làm rõ quy định giải thích về người giám định tư pháp, đặc biệt trong lực lượng công an, quân đội (liệu có bắt buộc là sĩ quan mới được bổ nhiệm?). Đồng thời, giữ nguyên tiêu chuẩn sức khỏe đối với người được bổ nhiệm hoặc công nhận giám định viên theo vụ việc.
Tại Điều 8 Dự thảo Luật, cần trình bày rõ nội dung từng khoản, đồng thời quy định thẩm quyền bổ nhiệm thuộc về các Bộ chuyên ngành có chức năng quản lý nhà nước như Bộ Y tế (pháp y, pháp y tâm thần), Bộ Công an (kỹ thuật hình sự).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu đăng tải công khai Dự thảo Luật để lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp chịu tác động của chính sách. Trong quá trình lấy ý kiến, cần nêu rõ các nội dung cần xin ý kiến và phương án đề xuất (nếu có) để bảo đảm chất lượng phản hồi và tăng tính khả thi của Dự thảo Luật.
Đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.
Luật Giám định tư pháp (thay thế) được thực thi góp phần nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong hoạt động giám định./.