Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân

(BKT) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn chặn tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang rất đáng báo động.



                
   

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 10/8. Ảnh: quochoi.vn

   

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sáng nay mở đầu với những lo ngại về tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân trên mạng.

Đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) nêu: Việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ những giải pháp đối với tình trạng này?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp. Mặc dù thời gian qua, công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, song vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này, để cho người dân an tâm về thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội?” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy chất vấn.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân trên thế giới và ở nước ta hiện đang rất đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân chưa hoàn thiện; ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân còn chưa cao.

Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp, trước hết là xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Bộ đã 10 lần trình Chính phủ ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng thời gian tới mới được ban hành.

Theo lộ trình, dự kiến năm 2024, Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay. Theo Bộ trưởng, trên thế giới, nhiều nước đã ban hành luật này để ứng phó với tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng; tích cực điều tra xử lý nghiêm hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt sẽ được tập trung để xử lý” – Bộ trưởng thông tin.

Liên quan đến nội dung này, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Công an cho biết, chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của 20 Bộ, ngành và 61/63 địa phương. Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục để bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối dữ liệu. Các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương khắc phục, đến nay, 11/20 Bộ, ngành và 28/61 địa phương có hệ thống đáp ứng được các yêu cầu về an ninh an toàn khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và điều kiện để thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân