Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao vai trò, hiệu quả của quỹ tài chính ngoài ngân sách

(BKTO) - Để phát huy vai trò, hiệu quả của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, các chuyên giá cho rằng, cần xây dựng được một cơ chế pháp lý về quản lý, sử dụng quỹ, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán quỹ một cách thống nhất, đồng bộ…

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

141220231112-cqh_2791.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc thành lập và vận hành các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã tạo ra công cụ tài chính linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ các hoạt động của khu vực công hay hỗ trợ đầu tư cho một số lĩnh vực cần khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường Lê Hải Đường cho biết, thống kê sơ bộ hiện nay có khoảng trên 40 quỹ hoặc loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập tại trung ương và địa phương. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Quốc hội và kết quả kiểm toán cho thấy, hoạt động của các quỹ cả ở trung ương và địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập do còn thiếu hành lang pháp lý.

Theo TS.Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, những năm gần đây, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở nhiều Bộ, ngành, địa phương và hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo một số mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể, tăng cường thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động thêm các nguồn tài chính hỗ trợ ngân sách nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống pháp luật về quỹ tài chính công ngoài ngân sách nhà nước còn thiếu nhiều quy định quan trọng, như: chưa đưa ra một khái niệm thống nhất về quỹ; chưa quy định rõ chủ thể có thẩm quyền thành lập; các điều kiện, tiêu chuẩn cho việc thành lập; các nguyên tắc pháp lý cần phải đảm bảo trong quá trình quản lý và sử dụng; điều kiện và mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước; các quy định về trách nhiệm; các biện pháp xử lý vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ; vai trò giám sát của các cơ quan dân cử…

“Chính những hạn chế nêu trên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” hiện nay của các quỹ; tình trạng sử dụng quỹ không đúng mục đích, thiếu hiệu quả, và thiếu trách nhiệm, gây ra tổn thất cho Nhà nước và xã hội” - TS. Bùi Đặng Dũng chỉ rõ và khẳng định, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là một bộ phận quan trọng của nền tài chính quốc gia. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý và sử dụng các quỹ trong thời gian tới là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả của các quỹ.

Ông Bùi Đặng Dũng đề xuất, cần xây dựng được một cơ chế pháp lý nhằm hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ; tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đặc biệt là vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử và xây dựng hệ thống pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với thực tiễn.

Đồng quan điểm, TS.La Thị Thắm - Giảng viên Đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng, cần hình thành một khuôn khổ pháp lý thống nhất trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Các khuôn khổ pháp lý này phải được quy định bằng luật, tức là ở cấp độ cao nhất. Những quy định này phải nêu rất cụ thể về mục đích hình thành, hình thức hoạt động và đầu tư; quy định về kế toán, kiểm toán, thanh tra…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các quỹ, cũng cần tăng cường sự giám sát của cơ quan nhà nước và người dân để hướng tới sử dụng quỹ hiệu quả, công khai và minh bạch…

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao vai trò, hiệu quả của quỹ tài chính ngoài ngân sách