PPP mang lại lợi ích nhưng còn bất cập
Đón đầu Nghị định đi vào cuộc sống, vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Phổ biến Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, mô hình đầu tư theo hình thức PPP không còn là khái niệm mới tại Việt Nam. Từ năm 1997, Chính phủ đã đưa ra những quy định đầu tiên về hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân thông qua mô hình hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Đây cũng là cơ sở pháp lý đầu tiên về PPP tại Việt Nam.
Từ đó đến nay, hình thức đầu tư theo PPP đã phát triển đa dạng ở Việt Nam với các mức độ tham gia khác nhau của khu vực tư nhân và các tổ chức nước ngoài. Thông qua đó, nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), năng lượng đã được triển khai theo hình thức PPP.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2002 đến nay, Bộ GTVT đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 233,7 nghìn tỷ đồng. Các dự án này được triển khai với mục tiêu cải tạo, nâng cấp, mở rộng 2.535 km đường, đầu tư mới 526 km đường, 16 nút giao và cầu. Tính đến tháng 8/2017, đã có 57/75 dự án hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán của KTNN, việc quản lý, thực hiện các dự án PPP cũng như chính sách quản lý đầu tư các dự án này còn nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử, trong số 49 dự án PPP được Bộ GTVT công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có đến 45 dự án ngoài danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư. Hơn nữa, khi thực hiện các dự án này, Bộ GTVT chưa lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phê duyệt bổ sung vào danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư theo quy định. Cùng với đó, KTNN còn phát hiện nhiều bất cập trong công tác phê duyệt đề xuất, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, giám sát dự án…
Đảm bảo dự án PPP hiệu quả hơn
Tại Hội nghị nêu trên, ông Vũ Đại Thắng cho biết, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm tới khung pháp lý liên quan đến mô hình đầu tư theo hình thức PPP. Trước những bất cập của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (Nghị định số 15) sau 3 năm thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63 để thay thế nhằm khắc phục tình trạng chưa có sự liên thông giữa Luật Đầu tư công đối với Nghị định số 15; đảm bảo nguồn lực bố trí chuẩn bị cho dự án cũng như phần đối ứng của NSNN tham gia vào dự án PPP; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của các đầu mối, cán bộ thực hiện dự án tại các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Nghị định số 63 sẽ góp phần đảm bảo công khai, minh bạch thẩm quyền quyết định dự án đầu tư theo hình thức PPP, giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền… nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), Nghị định số 63 quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công. Nghị định cũng mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, theo đó, ngoài vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP như: giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ...
Nghị định số 63 cũng bổ sung thêm điều khoản công khai thông tin về dự án, đồng thời quy định rõ tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Theo đó, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư. Ðối với dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Quy định này sẽ giúp sàng lọc năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia dự án PPP.
Qua kiểm toán Chuyên đề quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Bộ GTVT, KTNN kiến nghị cần phải xem xét nâng hướng dẫn đầu tư theo hình thức PPP từ Nghị định thành Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý cao hơn, minh bạch hơn, ổn định hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức PPP. Với việc ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, kiến nghị của KTNN nâng tầm chính sách lên thành Luật vẫn đang còn để ngỏ. |
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018