
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tăng cường kết nối doanh nghiệp
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, việc tổ chức Tọa đàm có ý nghĩa thiết thực để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.
Chia sẻ những thành tựu phát triển và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuy còn một số khó khăn nhưng Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong những năm qua.
Năm 2024, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,09%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam tăng trưởng khoảng 7,52%. Tổng sản phẩm GDP của Việt Nam hiện đạt khoảng 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.774 USD.
Việt Nam hiện là nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới và đang phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm nay, đăng ký FDI đạt khoảng 20 tỷ USD và đã triển khai được khoảng 15 tỷ USD.
Nhấn mạnh, hai nước có quan hệ chính trị rất tin cậy, ngoại giao nghị viện rất tốt, tiềm năng, lợi thế và dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Hai nước chúng ta dù cách xa về địa lý, nhưng lòng chúng ta không xa. Do đó, thời gian tới, chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương. Hai nước cần rà soát và ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác còn thiếu để đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các ngành, lĩnh vực thế mạnh”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ mô hình xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng nông nghiệp, thủy sản, trung tâm chế biến xuất khẩu và giao dịch hàng hóa phù hợp với điều kiện của Morocco.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Morocco đã có Trung tâm tài chính phát triển rất tốt, có hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Phi; có hạ tầng giao thông rất tốt; thành phố sáng, xanh, sạch đẹp… là những yếu tố để thu hút đầu tư, thu hút du lịch.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường kết nối doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh các chương trình giao thương, triển lãm và hội chợ để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Morocco với vị trí chiến lược và vai trò ngày càng quan trọng tại châu Phi, Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, giày da, chế biến… Do đó, hai nước có thể cùng nhau triển khai các dự án hợp tác ba bên hoặc bốn bên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế.
“Quốc hội Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Morocco để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư và phát triển bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đưa hợp tác Việt Nam - Morocco thành hình mẫu
Trước đó, phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Morocco Chakib Alj - nhấn mạnh, Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Morocco của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho thấy sự quan tâm rất lớn của cả hai bên đối với việc thúc đẩy hợp tác hai nước và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vì lợi ích chung của hai dân tộc.

Ông Chakib Alj cho biết, với vị trí chiến lược tại châu Phi cũng như mối quan hệ rất tốt với các quốc gia xung quanh, Morrocco hiện nay được coi như một cửa ngõ rất quan trọng để đi vào châu Phi, tiếp cận với thị trường châu Âu. Điều này cũng tương tự như vị trí của Việt Nam đối với thị trường ASEAN.
Morocco hiện có cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là đường sắt cao tốc đầu tiên tại châu Phi và hệ thống đường cao tốc phát triển; một nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng tốt với tăng trưởng GDP khoảng 40 tỷ USD mỗi năm; có nền nông nghiệp, công nghiệp hàng không và công nghiệp nói chung phát triển tốt tại Châu Phi.
Morocco cũng có nguồn nhân lực được đào tạo tốt so với các quốc gia tại Châu Phi. Hiện Morocco có khoảng 40% năng lượng đã được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo; từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo…
Về phía Việt Nam, ông Chakib Alj cho rằng, Việt Nam có một nền kinh tế năng động, tăng trưởng vô cùng tốt và cởi mở với thế giới. Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản, điện tử, giáo dục và đào tạo… đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác hàng đầu để tất cả các quốc gia đều mong muốn hợp tác. Việt Nam cũng có một thị trường vô cùng phát triển, chưa kể đến thị trường rộng lớn của ASEAN.
Như vậy, hợp tác với Việt Nam sẽ là quan hệ hợp tác mà hai bên cùng có lợi. Hai bên có rất nhiều cơ hội hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như hàng không, năng lượng xanh, logistic… và hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh hay các lĩnh vực mới khác…

Theo ông Chakib Alj, hai nước có một cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quyết tâm và mạnh mẽ. “Chúng ta phải cùng nhau đưa ra nhiều sáng kiến hơn nữa để có thể có được những cơ chế đối thoại thường xuyên như tọa đàm này để kết nối các doanh nghiệp hai bên. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu giữa một quốc gia châu Phi và một quốc gia tại châu Á, trên cơ sở lòng tin lẫn nhau và tạo ra chất lượng, hiệu quả tích cực” - ông Chakib Alj nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã giới thiệu, trao đổi về môi trường đầu tư của hai nước; thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai nước; các định hướng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước…
Tại tọa đàm, hai bên đã trao Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Morocco.