Hoàn thiện quy định để quản lý chặt chẽ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hoàn thiện quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động này.

202501061528211655_20250106-ubtvqh-0037.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chiều 6/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 13 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), có ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể, toàn diện hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Cùng với đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).

202501061550332673_20250106-ubtvqh-0394.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, yêu cầu các chủ thể liên quan thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ và các hình thức khác để xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp và hiện đại để hoàn thiện các quy định liên quan đến quảng cáo mạng, quảng cáo xuyên biên giới tại Dự thảo Luật. “Phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại Dự thảo Luật, qua đó bảo đảm sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo này.

“Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan cần phối hợp để liệt kê đầy đủ, chi tiết các thủ tục, giấy phép đã được lược bỏ khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành; tiếp tục rà soát để bảo đảm loại bỏ giấy phép, thủ tục phát sinh mới.

202501061535457567_20250106-ubtvqh-0308.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tán thành giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu có giải trình thỏa đáng hơn về thay đổi thời gian quảng cáo trên internet từ 1,5 giây lên 6 giây.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, thời gian chờ tắt quảng cáo là 6 giây sẽ gây khó cho trải nghiệm của người xem, vì vậy chỉ cần tăng gấp đôi (3 giây) thời gian chờ tắt quảng cáo so với quy định hiện hành (1,5 giây)./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện quy định để quản lý chặt chẽ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng