Hoàn thiện thể chế văn hóa trước yêu cầu phát triển đất nước

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo để làm rõ thêm về vấn đề nguồn lực cho phát triển văn hóa.

bai-pv-ong-bhs.jpg
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: nhân vật cung cấp

Dưới góc nhìn của đại biểu, chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về ngành Văn hóa, ông có đánh giá ra sao về quan điểm phát triển, thực tiễn công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời gian qua?

Văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa, mỗi quốc gia đều có những cách phù hợp để phát triển văn hóa của mình. Tại Việt Nam, văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng từ việc xác định chủ trương, nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này đến hoàn thiện thể chế và tổ chức triển khai thực hiện. Kể từ sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, đến năm 1998, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương khoá VIII) ra đời đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Nghị quyết xác định đường lối phát triển văn hóa ở Việt Nam, đó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện tinh thần các Nghị quyết của Đảng, đến nay hàng loạt văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản pháp quy của Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ra đời để hoàn thiện công tác quản lý văn hóa. Lĩnh vực văn hóa, gia đình đã có 05 luật, 01 pháp luật, 42 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 98 thông tư, thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp.

Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ diễn ra trong 01 ngày (ngày 17/12/2022) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng... chủ trì, với sự tham dự của hơn 800 đại biểu.

Đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước trao đổi, làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Các thiết chế văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, triển lãm…, và đặc biệt là các nhà văn hoá cơ sở) được xây dựng mới ở khắp nơi trên đất nước, từ thành thị đến nông thôn. Đã có 38 địa phương đã có quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thiết chế văn hóa; có 21/29 địa phương đã có quy hoạch thiết chế tại các khu công nghiệp. Cơ chế chính sách văn hóa ngày càng linh hoạt, nhạy bén, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Văn hóa nghệ thuật ngày càng đến gần với nhân dân. Và trên thực tế, văn hóa nghệ thuật đã có tác động lớn đến đời sống tinh thần, tư tưởng đạo đức, lối sống của người dân.

Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hoạt động văn hóa cũng đứng trước rất nhiều khó khăn. Trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa, hoạt động quản lý văn hóa còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế, phương thức lãnh đạo còn chậm được đổi mới; chưa lường hết tính phức tạp và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa.

Ghi nhận sự phát triển của văn hóa trong thời gian qua, song bên cạnh đó vẫn còn những điểm nghẽn khiến văn hóa chưa thể phát triển xứng tầm. Theo ông, điểm nghẽn đáng chú ý nhất là gì?

Để phát triển văn hóa, điều quan trọng nhất là phải cải cách thể chế văn hóa. Trước hết là đổi mới về tư tưởng, quan niệm về phát triển văn hóa mới; sau đó là kết hợp giữa phát triển sự nghiệp văn hóa công ích với phát triển các ngành kinh doanh văn hóa. Hiện nay, đây đang là điểm nghẽn đầu tiên lớn nhất khiến cho văn hóa chưa thể được phát triển tương xứng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của Nhân dân.

Trên cơ sở nắm chắc xu thế phát triển văn hóa thế giới ngày nay, nhận thức về quy luật xây dựng văn hóa dưới điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách thể chế văn hóa là sự tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học kỹ thuật,... Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta. Điều đó đã đặt ra một loạt yêu cầu mới cho việc xây dựng văn hóa và cải cách thể chế văn hóa.

Mặt khác, sự phát triển tự thân văn hóa trong bối cảnh mới cũng đòi hỏi phải phá bỏ sự trói buộc của thể chế quản lý truyền thống để cho tài nguyên văn hóa được sử dụng hiệu quả, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ làm công tác văn hóa được phát huy đầy đủ. Hiện nay ở một số địa phương, nhất là những nơi cơ sở hạ tầng văn hóa công cộng thiếu thốn nghiêm trọng, thiết bị cũ kỹ, cơ sở sản xuất văn hóa thiếu sức sống, các sản phẩm văn hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào chiếm lĩnh thị trường, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại xuất hiện làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần xã hội. Rõ ràng, cần giải phóng mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa sức sản xuất văn hóa. Mà muốn giải phóng sức sản xuất văn hóa thì nhất thiết phải đổi mới thể chế văn hóa, xây dựng thể chế mới vận hành theo nguyên tắc hướng tới quần chúng, hướng ra thị trường.

Điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa đã được chỉ rõ, đó là bắt nguồn từ thể thế. Để hoàn thiện thể chế, theo ông cần tập trung vào những vấn đề gì?

Để hoàn thiện thể chế, chúng tôi nhận thấy cần tập trung vào một số vấn đề sau:

dsc_0135-1600x1200-.jpg
Cần đổi mới tư duy quản lý, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn hóa. Ảnh: N.LỘC

Thứ nhất là, đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Thứ hai là, cải cách thể chế văn hóa là một hoạt động có tính tổng hợp, có tính hệ thống cao, thể hiện mối liên hệ, gắn bó nhiều mặt như lao động, nhân sự, tài chính, thuế, phân phối, bảo đảm xã hội, quản lý hành chính... Do đó, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho văn hóa về các mặt xét duyệt hành chính, sử dụng đất đai, mở rộng và quản lý thị trường, đầu tư lưu thông vốn, chính sách ưu đãi, nâng đỡ công nghiệp văn hóa phát triển, kiện toàn pháp chế văn hóa, tạo ra môi trường pháp luật tốt đẹp cho cải cách thể chế văn hóa.

Thứ ba là, nhà nước luôn phải nhấn mạnh vai trò điều hành và quản lý vĩ mô của mình đối với văn hóa. Khi xã hội thay đổi, vai trò và chức năng nhà nước cũng có những biến đổi tương ứng (về tính chất, nội dung, phương hướng và biện pháp thực thi). Để thích ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải xây dựng thể chế quản lý văn hóa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ngành nghề tự chủ, đơn vị doanh nghiệp sự nghiệp vận hành theo pháp luật. Đây chính là phương hướng cải cách thể chế văn hóa thời kỳ mới.

Thứ tư là, Nhà nước cần mạnh dạn giao quyền cho các cấp quản lý văn hóa, giao quyền tự chủ cho các ngành cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể, có chế độ giám sát việc sử dụng tài sản văn hóa nhà nước và yêu cầu các đơn vị văn hóa phải chấp hành pháp luật, tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ đặt hàng trực tiếp khi cần thiết đối với những sản phẩm văn hóa phục vụ công ích.

Như vậy, sự quản lý của Nhà nước phải được quy phạm hóa, phải đúng pháp luật. Những vấn đề nào mà cơ chế thị trường có khả năng giải quyết tốt thì Nhà nước không cần phải can dự vào. Chỉ những vấn đề cơ chế thị trường không giải quyết được thì Nhà nước mới tham gia và sự tham gia này phải công khai, dân chủ, phải phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường và văn minh tinh thần hiện đại.

Điều đó có nghĩa là, chức năng quản lý Nhà nước phải thay đổi về chế độ xét duyệt hành chính, coi chức năng chủ yếu là phục vụ sự nghiệp văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo văn hóa, không trực tiếp can dự vào hoạt động văn hóa vi mô và doanh nghiệp.

Thứ năm là vấn đề đào tạo và phát triển hiệp hội ngành nghề văn hóa và tổ chức môi giới văn hóa có tính chuyên nghiệp cao. Đây là điều chúng ta đang rất thiếu và rất yếu, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập rất nhiều các Hiệp định thương mại quốc tế. Một mặt, chúng ta phải tăng cường xây dựng hiệp hội ngành nghề, giao chức năng và quyền hạn cụ thể để hiệp hội ngành nghề có tư cách pháp nhân, trở thành tổ chức quản lý ngành nghề hợp pháp, có vai trò cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp. Mặc khác, khuyến khích phát triển các loại tổ chức môi giới văn hóa, lập những tổ chức môi giới văn hóa và tổ chức đại lý, hình thành cơ chế Chính phủ giám sát chỉ đạo, hiệp hội ngành nghề giám sát quản lý... Đây là những vấn đề cần được chú ý đúng mức để tạo nên sự chuyển biến trong chức năng quản lý và định hướng văn hóa của Nhà nước trong thời đại ngày nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện thể chế văn hóa trước yêu cầu phát triển đất nước