Hoang phí là một tội ác

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí.

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 02/1951). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra sự nguy hiểm, hậu quả nặng nề của lãng phí. Ngay từ tháng 9/1947, trong bài viết “Cán bộ và đời sống mới” đăng trên báo Sự thật, Hồ Chủ tịch đã xác định: “Hoang phí là một tội ác”. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, vào tháng 02/1957, Người chỉ rõ: “Để lãng phí như gió vào nhà trống, tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân”. Từ đó, Hồ Chủ tịch xác định tầm quan trọng của việc phòng chống lãng phí, coi đó như là cuộc chiến đấu ngoài mặt trận. Tháng 3/1952, Hồ Chí Minh khẳng định: “Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực. Tiêu hao của cải của Chính phủ của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.

Khi mới về tiếp quản Thủ Đô, nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ đô vào tháng 11/1954, Hồ Chủ tịch nói: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Người chỉ ra muốn làm được như vậy thì phải tiến hành đồng thời bốn điều là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trong đó, Cần tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình, của nhân dân và Liêm tức là không được tham ô, phải luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công cũng như của nhân dân”. Trong bài: “Chống lãng phí lương thực” đăng trên báo Nhân Dân, ngày 11/5/1955, Người viết: “Đồng bào nông dân đổ mồ hôi nước mắt, mới làm ra được lương thực. Cho nên chúng ta phải quý lương thực như quý ngọc vàng”.

Hồ Chủ tịch cũng chỉ rõ những biện pháp phòng, chống tham ô, lãng phí, như phải bằng sức mạnh tổng hợp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt về mọi mặt, kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục với xử lý theo pháp luật.

Suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, Hồ Chủ tịch luôn là tấm gương sáng về mọi mặt, trong đó có đạo đức vô tư, trong sáng, giản dị, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, tháng 9/1969, đã nêu rõ: “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị”.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc sống hằng ngày cũng luôn quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định cụ thể tại Điều 56: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và cách làm thiết thực, phù hợp để huy động sức mạnh cộng đồng cùng triển khai thực hiện. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960, Đảng đã xác định nhiệm vụ phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ của công. Nội dung này tiếp tục được đề cập, bổ sung, phát triển trong các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng, được cả hệ thống chính trị và cộng đồng thực hiện với những kết quả thiết thực. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định quyết tâm “Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, đưa ra nhiều giải pháp, như: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng thúc đẩy phát triển”. Chính phủ cũng chủ động có Chương trình tổng thể về chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.

Đặc biệt, từ khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và đi vào cuộc sống đã mang lại những hiệu quả, ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Luật đã quy định Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó quy định Nguyên tắc đầu tiên là: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra giám sát”.

Với chức năng, nhiệm vụ và nỗ lực của mình, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đóng góp tích cực vào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều 118 của Hiến pháp quy định: “1. KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Tại Điều 74 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định rõ: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Luật cũng quy định về việc công khai trong công tác kiểm toán: “Thực hiện công khai các kết quả kiểm toán liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”. Đồng thời Luật còn quy định cụ thể: “Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan KTNN có trách nhiệm kiến nghị kịp thời và chuyển hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý”.

Từ khi ra đời đến nay, KTNN đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật, trong đó có Luật KTNN. KTNN đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đánh giá về đóng góp trên đây, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương: Những năm qua, chất lượng hoạt động của KTNN ngày càng được nâng cao, phục vụ tốt cho việc quản lý, điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội. KTNN đã thực hiện được vai trò là công cụ tăng cường thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần làm lành mạnh nền tài chính công và hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ trong giai đoạn mới: “KTNN phải xác định rõ địa vị pháp lý và tâm thế của mình. Xây dựng và phát triển, vừa đấu tranh với sai phạm, tiêu cực vừa phải ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Muốn vậy, phải “nghệ tinh, tâm sáng, KTNN phải là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín”.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tin tưởng và giúp đỡ, đồng hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hệ thống chính trị và toàn dân là nguồn động lực to lớn, cơ sở quan trọng để KTNN tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định quyết tâm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn”./.

Cùng chuyên mục
Hoang phí là một tội ác