Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Bắc

(BKTO) - Ngày 15/10, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Bắc.



                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ TN&MT

   

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Nguyễn Thị Lệ Thủy chủ trì Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đồng thời, Bộ TN&MT đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan xây dựng học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đã gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đăng tải Dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
         
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

Chia sẻ về các điểm mới của Dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT - ông Châu Trần Vĩnh - cho hay, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước ở cả Trung ương và địa phương.

Trong đó, Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước như công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa ngành nước; tài chính về tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đánh giá cao Dự thảo Luật, đồng thời đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung quan trọng, nhất là nội dung liên quan đến những điểm mới của Dự thảo Luật…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Bắc