Hội thảo tham vấn về Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030

(BKTO) - Sáng 28/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhằm thảo luận chuyên sâu về:“Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”.



Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, đây là cơ hội tốt để Tổ biên tập tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 10 năm tới.
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Khánh Linh

   

Tại đây, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu đã trình bày về: Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Vai trò của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, trong xây dựng và thực hiện Chiến lược.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia cao cấp, Thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đánh giá cao những điểm mới của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả…; phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%... Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, các chỉ tiêu cụ thể cần được điều chỉnh tăng cho hợp lý, cần đặt mục tiêu cao hơn để tạo động lực hành động; đồng thời cần bổ sung những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, chất lượng môi trường… phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước.
                
   

TS.Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Linh

   

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề cập đến 3 đột phá chiến lược, gồm: đột phá về thể chế; đột phá về khoa học và phát triền nguồn nhân lực; đột phá về phát triển hạ tầng. Theo TS.Nguyễn Đình Cung, điểm mới trong đột phá về thể chế là đã nhấn mạnh vào thể chế phân bố nguồn lực làm thay đổi cách thức phân bố nguồn lực và nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia.

Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong Dự thảo Chiến lược, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để khu vực này thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thì từ phía Nhà nước và doanh nghiệp đều phải hành động. Trong đó, về phía Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp. Cụ thể, cần tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa các thị trường nhân tố. Còn với các doanh nghiệp tư nhân thì cần tập trung vào nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế trong thập niên tới.

Một số vấn đề liên quan khác cũng được các đại biểu đề cập, thảo luận tại hội thảo như: để phát triển nhanh và bền vững trong thời đại công nghệ 4.0, các DN cần chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các hoạt động kinh tế và văn hóa, xã hội cần gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường; cần đánh giá và rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện 6 chỉ tiêu về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 để từ đó đưa ra những chỉ tiêu phù hợp, nhất quán; quan tâm hơn đến thị trường đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp tư nhân…

Đáng chú ý, TS.Cấn Văn Lực đề xuất, ngoài 3 đột phá chiến lược trong Dự thảo, cần tách và bổ sung thêm 01 đột phá chiến lược thứ tư về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nhiều quốc gia trên thế giới đã có Chiến lược 4.0. Do đó, việc bổ sung đột phá này sẽ tạo sự nhất quán với các chủ trương, chính sách mà nước ta đang đề ra, cũng như phù hợp với xu thế quốc tế...

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết, Tổ biên tập sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó làm rõ hơn, cụ thể hơn về “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”./.

HỒNG THOAN - KHÁNH LINH
Cùng chuyên mục
Hội thảo tham vấn về Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030